Đền thờ Nguyễn Cao có dấu hiệu thi công kém chất lượng: Câu hỏi 10 tỷ?

Nhà thầu Công ty CP Xây dựng Phú Đạt và Liên danh Phú Đạt - Công ty TNHH Cơ điện Thái An chưa được chủ đầu tư quyết toán số tiền 10 tỷ đồng còn lại thi công xây dựng dự án khu đền thờ Nguyễn Cao.
Đây là thông tin được ông Đặng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, được nêu tại bài viết: Ai chịu trách nhiệm khu đền thờ Nguyễn Cao thi công kém chất lượng?
Phải bảo hành công trình sau nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng
"Theo định của pháp luật về quản lý chất lượng, thi công công trình xây dựng, thì chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong bảo hành công trình xây dựng; thời hạn bảo hành công trình xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ; biện pháp, hình thức bảo hành; giá trị bảo hành; việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành, tài sản bảo đảm, bảo lãnh bảo hành hoặc các hình thức bảo lãnh khác có giá trị tương đương", luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nói.
Luật sư Hoàng Tùng dẫn Điều 29 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong bảo hành công trình xây dựng: Trong thời gian bảo hành công trình xây dựng, khi phát hiện hư hỏng, khiếm khuyết của công trình thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành…
… Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành phần công việc do mình thực hiện sau khi nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đối với các hư hỏng phát sinh trong thời gian bảo hành và phải chịu mọi chi phí liên quan đến thực hiện bảo hành.
Den tho Nguyen Cao co dau hieu thi cong kem chat luong: Cau hoi 10 ty? (ky 3)
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống ngày 27/12/2024 cho thấy, phía tường cổng chính của khu đền xuất hiện nhiều vết nứt chân chim chạy dài.
Về bảo hành công trình xây dựng, cụ thể là công trình sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, hình thức bảo hành được quy định bằng tiền hoặc thư bảo lãnh bảo hành của ngân hàng… Mức tiền bảo hành tối thiểu được quy định: 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I; 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại; với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo 2 mức tiền bảo hành nêu trên.
Thời hạn bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định và được quy định chi tiết: Không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công; Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công…; với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo 2 mức thời gian nêu trên.
10 tỷ đồng chưa quyết toán… là khoản tiền giữ lại bảo hành công trình xây dựng?
Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống về mức tiền và thời gian bảo hành công trình xây dựng, luật sư Hoàng Tùng cho biết, các nhà thầu chỉ được hoàn trả tiền bảo hành, tài sản bảo đảm, bảo lãnh bảo hành hoặc các hình thức bảo lãnh khác, sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành trách nhiệm bảo hành.
Den tho Nguyen Cao co dau hieu thi cong kem chat luong: Cau hoi 10 ty? (ky 3)-Hinh-2
Phía trên đỉnh mái nhà của cổng chính có vết nứt khá lớn.
Theo tìm hiểu của PV, dự án đầu tư xây dựng Khu đền thờ Danh nhân Nguyễn Cao (Cách Bi, Quế Võ) được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 31/10/2019, với tổng diện tích khu đất xây dựng khoảng 4,95ha, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 143 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa trên 12 tỷ đồng.
Đối chiếu với quy định của pháp luật tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, dự án đền thờ Nguyễn Cao sử dụng vốn đầu tư công và có cả nguồn xã hội hoá… “Số tiền 10 tỷ đồng chưa quyết toán có thể là khoản tiền bảo hành thi công công trình bị giữ lại”, chị Nguyễn Tuyết, Kế toán trưởng công ty xây dựng trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.
Theo vị kế toán trưởng này, công trình khu đền thờ này được đưa vào sử dụng, khánh thành vào tháng 4/2022 - tức công trình đã hoàn thiện và có lẽ thời gian bảo hành được tính liền sau đó.
“Trước thực trạng hư hỏng, xuống cấp hiện nay của dự án, dù thời gian bảo hành sắp hết, hoặc còn một ngày nữa kết thúc, thì nhà thầu vẫn chịu trách nhiệm khắc phục, sửa chữa. Nếu không, chủ đầu tư không nghiệm thu, không xác nhận việc hoàn thành việc bảo hành cho nhà thầu và không thanh toán 10 tỷ còn lại”, chị Tuyết nêu vấn đề.
Chất lượng công trình kém… cần thanh tra dự án?
Liên quan hiện trạng công trình khu đền thờ Nguyễn Cao bị hư hỏng nhiều hạng mục, theo luật sư Hoàng Tùng, dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng sau chưa đầy 2 năm sử dụng, xuống cấp, cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra là hoàn toàn cần thiết và cấp bách.
“Nếu Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh hoặc Thanh tra xây dựng tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, cơ quan chức năng có quyền đình chỉ thi công công trình để khắc phục. Và các bên liên quan phải sửa chữa, thi công lại phần bị lỗi hoặc khắc phục thiệt hại đã gây ra”, luật sư Tùng nhận định.
Theo Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, việc thanh tra để ngăn chặn lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước và đảm bảo quá trình quản lý, thi công, nghiệm thu được thực hiện đúng pháp luật. Ngoài ra, Đền thờ Nguyễn Cao là công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa lớn, do đó việc hư hỏng nhanh chóng sẽ gây bức xúc trong dư luận.
“Việc thanh tra kịp thời không chỉ làm rõ trách nhiệm mà còn bảo vệ uy tín và giá trị của công trình này”, ông Tùng nhấn mạnh.
Có hay không việc nhà thầu thi công không đúng thiết kế, sử dụng vật liệu không đạt tiêu chuẩn hoặc thi công cẩu thả? Chủ đầu tư có thực hiện đúng quy trình kiểm tra, nghiệm thu và giám sát công trình hay không? Các yếu tố khách quan (như thời tiết, thiên tai) liệu có phải nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng?…

Nhằm trao đổi thêm các thông tin liên quan, ngày 8/1, PV liên hệ với ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng Sở này “không liên quan” đến dự án khu đền thờ Nguyễn Cao, vì di tích của địa phương nào thì địa phương đó quản lý, còn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chỉ quản lý vài di tích Cách mạng.

Tiếp đó, chiều 10/1 PV liên hệ với Công ty CP Xây dựng Phú Đạt (nhà thầu) qua số điện thoại 043 786xxx đăng ký theo mã số thuế nhưng không được. Sau đó, PV liên hệ trực tiếp với bà Cao Thị Thoa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Xây dựng Phú Đạt qua số điện thoại 039696xxx. Tuy nhiên, một người phụ nữ sau nghe máy đã nói rằng bà Thoa đi vắng, bà này chỉ đang cầm hộ máy.

Đến nay (13/1), PV vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Công ty CP Xây dựng Phú Đạt.

Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ thông tin tới bạn đọc về vụ việc này ở kỳ tiếp theo.
Theo VietnamDaily
back to top