Hình ảnh từ camera giám sát gần hiện trường thể hiện, anh N.V.T (29 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) điều khiển xe máy đến đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sau đó trèo qua lan can vào khu vực km71+700, nằm ra đường và bị xe tải đâm trúng.
Hiện trường nơi xảy ra sự việc. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu cơ quan chức năng xác định tài xế đã vi phạm quy tắc an toàn giao thông và dẫn đến chết người, họ có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Đây là căn cứ cốt lõi để khởi tố, điều tra và áp dụng các hình phạt tương ứng, bao gồm phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc thậm chí phạt tù, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi cũng như hậu quả gây ra.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Để đi đến kết luận về trách nhiệm hình sự của lái xe, cơ quan chức năng không chỉ dựa trên lời khai hay hiện trường mà còn tiến hành thu thập, phân tích nhiều chứng cứ khác nhau. Trước hết, họ sẽ xem xét người tài xế có tuân thủ các quy tắc về tốc độ, làn đường và biển báo giao thông hay không. Nếu tài xế chạy quá tốc độ, không quan sát cẩn thận hoặc không bật đèn chiếu sáng khi trời tối, đây có thể bị coi là lỗi vi phạm cơ bản.
Ngoài ra, tình trạng kỹ thuật của phương tiện, khoảng cách an toàn, thời gian phanh và phản xạ cũng là những yếu tố quan trọng để xác định xem lái xe có thể tránh được tai nạn hay không. Trong trường hợp có dấu hiệu tài xế chủ quan, thiếu chú ý hoặc không đủ khả năng kiểm soát xe, hậu quả chết người sẽ được xem là hệ quả trực tiếp của việc vi phạm này, khiến tài xế đứng trước nguy cơ bị khởi tố hình sự", luật sư Hùng phân tích.
Theo luật sư Hùng, bên cạnh khả năng đối mặt với án hình sự, người lái xe hoặc chủ sở hữu phương tiện thường phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân, theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường sẽ bao gồm chi phí mai táng, tổn thất tinh thần và có thể là các chi phí khác mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu.
Việc bồi thường có thể được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa đôi bên hoặc thông qua phán quyết của tòa án nếu không đạt được thống nhất. Trong thực tiễn, việc thể hiện thiện chí bồi thường và hỗ trợ gia đình nạn nhân kịp thời cũng thường được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tài xế.
"Tuy nhiên, không phải mọi tai nạn giao thông chết người đều đương nhiên kết luận rằng tài xế có lỗi. Trường hợp nạn nhân cố tình trèo lên cao tốc rồi nằm ra đường, hành vi này có thể được coi là bất ngờ, vượt quá khả năng phản xạ kịp thời của người lái.
Nếu kết quả điều tra chứng minh tài xế đã chấp hành đúng các quy định (chạy đúng tốc độ, quan sát đầy đủ, kịp thời phanh khi nhận thấy nguy hiểm…) nhưng vẫn không thể tránh tai nạn, người lái xe có thể được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự. Dẫu vậy, cơ quan chức năng vẫn sẽ xem xét kỹ lưỡng toàn bộ tình tiết, bao gồm thời điểm, khoảng cách, tốc độ và các biện pháp xử lý để đưa ra kết luận công bằng nhất.
Từ góc độ pháp lý, luật sư Hùng khuyến nghị mọi bên liên quan, đặc biệt là người lái xe, cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, cung cấp đầy đủ chứng cứ (chẳng hạn camera hành trình, nhân chứng, biên bản khám nghiệm), đồng thời tường trình trung thực diễn biến vụ việc. Trong tình huống tài xế có lỗi, việc sớm nhận trách nhiệm, hỗ trợ bồi thường, thăm hỏi gia đình nạn nhân sẽ giúp giảm nhẹ phần nào trách nhiệm trước pháp luật.
Ngược lại, nếu tài xế cho rằng mình không có lỗi do yếu tố bất khả kháng từ nạn nhân, cần chủ động thu thập và lưu giữ bằng chứng rõ ràng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Cuối cùng, sự hỗ trợ của luật sư ngay từ đầu là vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo mọi thủ tục tố tụng tuân thủ quy định và tránh phát sinh những rủi ro pháp lý không đáng có.
>>> Xem thêm video: Người đi bộ tử vong sau va chạm với ô tô Mercedes tại Hà Nội