Gia tăng tỷ lệ bệnh khô mắt do lạm dụng điều hòa trong mùa nắng nóng

Để tránh nóng trong những tháng mùa nắng nóng, nhiều người “trốn” trong phòng máy lạnh gần như 24/24. Tuy nhiên, việc hoạt động thường xuyên dưới môi trường điều hòa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đặc biệt gây nên các tình trạng khô da, khô mắt.

Chứng khô mắt có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng nguy cơ đặc biệt cao vào mùa hè, dưới tác động của cái nóng đặc trưng và sự hanh khô của thời tiết.

Gia tăng tỷ lệ bệnh khô mắt do lạm dụng điều hòa trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa

Gia tăng tỷ lệ bệnh khô mắt do lạm dụng điều hòa trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa

Lạm dụng điều hòa dẫn đến khô mắt

Cụ thể, trường hợp chị Đ.T.Q.T. (28 tuổi) nhập viện trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng cộm, ngứa, khô mắt, bỏng rát, mệt mỏi như có dị vật trong mắt.

Chị T. cho biết, tại nơi làm việc, máy lạnh được bật liên tục từ 8 giờ đến 18 giờ, nhiệt độ trung bình từ 16-22 độ C. Khi về nhà, chị T, tiếp tục mở máy lạnh từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau và luôn cài đặt nhiệt độ dưới 24 độ C. Do đó, khi ngủ dậy người bệnh thường cảm thấy đỏ và sưng tấy ở vùng mắt.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị khô mắt và kê đơn thuốc gồm thuốc uống, thuốc nhỏ mắt kết hợp hướng dẫn chăm sóc mắt tại nhà.

Theo ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, vào các tháng mùa hè, nhiệt độ tại các tỉnh phía Nam tăng cao, liên tục trên 37 độ C, độ ẩm không khí giảm xuống thấp. Để tránh nóng, nhiều người ở trong phòng máy lạnh gần như 24/24.

Không khí máy lạnh làm giảm đáng kể độ ẩm không khí mà mắt cần độ ẩm để duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu. Trong khi đó, lớp phim nước mắt phủ đều trên bề mặt giác mạc, lấp đầy các khe hở giữa các nhung mao của tế bào biểu mô giúp bảo vệ giác mạc và duy trì bề mặt biểu mô trơn láng.

Nhờ vậy, ánh sáng xuyên giác mạc không bị tán xạ, đảm bảo chức năng quang học hoàn hảo của giác mạc. Tuy nhiên, dùng máy lạnh thường xuyên và kéo dài nên độ ẩm thấp, khiến nước mắt bay hơi nhiều, dẫn đến khô mắt gây kích ứng, ngứa ngáy, nhìn mờ, thậm chí viêm nhiễm.

Trước đây, bệnh khô mắt thường xảy ra ở người lớn tuổi khi cơ thể thiếu hụt vitamin A. Với cuộc sống ngày này, đặc biệt nhà nhà sử dụng máy lạnh, thời tiết nắng nóng kéo dài nên tình trạng khô mắt phổ biến ở mọi đối tượng, nhất là những người thường xuyên làm việc, sinh hoạt trong phòng máy lạnh, đặc biệt luồng khí từ máy lạnh phả trực tiếp vào mặt.

Người bệnh khô mắt, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, lao động, học tập,… lâu dài sẽ tổn thương giác mạc, có thể giảm thị lực, mù lòa khi về già.

Biện pháp giảm khô mắt đúng cách?

Chuyên gia khuyến cáo, có thể phòng ngừa khô mắt bằng cách tránh luồng máy lạnh thổi trực tiếp vào mắt, sử dụng máy lạnh không quá thấp và quá lâu. Cụ thể, nên dùng máy lạnh ở mức 26-28 độ C. Để biết được độ ẩm trong phòng bao nhiêu, bạn có thể sử dụng nhiệt ẩm kế để kiểm tra, từ đó điều chỉnh máy lạnh cho phù hợp.

Vào những ngày trời nóng trên 30 độ C hoặc độ ẩm thấp dưới 55%, người dùng bật tính năng làm mát (nút Cool) và đặt kèm một chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm. Người dùng tránh bật điều hòa ở chế độ khô (nút Dry) sẽ làm giảm độ ẩm hơn.

Những người làm việc trong văn phòng, có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để cung cấp độ ẩm và bôi trơn cho mắt, tập thói quen chớp mắt nhiều, giúp mắt nghỉ ngơi, nước mắt dàn đều làm ẩm giác mạc.

Thực hiện quy tắc 20-20-20 bằng cách cứ 20 phút nhìn vào màn hình máy tính/điện thoại thì nên rời mắt khỏi những thiết bị này, nhìn cách xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong 20 giây.

Ngoài ra, bác sĩ Tùng khuyến cáo uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp độ ẩm cho mắt, bổ sung vitamin A (cà rốt, khoai lang, ớt chuông đỏ, cam, quýt,…) thực phẩm chứa Omega-3 (cá hồi, cá thu, hạt lanh, hạt chia, óc chó,…) để khắc phục tình trạng máy lạnh làm khô mắt.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top