Nữ sinh 15 tuổi tự rạch tay để... giải tỏa stress

Nữ sinh 15 tuổi được bố mẹ đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám sau khi phát hiện cánh tay chằng chịt vết sẹo do tự rạch.

Rạch tay để... giải tỏa cảm xúc

Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về hành vi tự gây thương tích ở trẻ vị thành niên.

Chia sẻ về một trường hợp điển hình của hành vi tự gây thương tích, bác sĩ Nguyễn Việt Hà, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, vừa điều trị cho bệnh nhân T. 15 tuổi, đang học lớp 10 tự rạch tay bằng dao lam, nghĩ đến việc tự sát.

Được biết, bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình thường xuyên xảy ra xung đột. Cha mẹ bệnh nhân nhiều lần cãi vã và xảy ra bạo lực gia đình. Bệnh nhân chứng kiến cha đánh mẹ nhiều lần, điều mà em mô tả là "những ký ức không bao giờ quên”. Cuộc sống gia đình của T thiếu sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Trên lớp bệnh nhân thường bị bạn cùng lớp trêu chọc vì "nhút nhát" và "lầm lì", dẫn đến sự cô lập xã hội, không tham gia các hoạt động ngoại khóa và thường xuyên tránh giao tiếp.

Sự cô đơn kéo dài khiến bệnh nhân tìm đến các diễn đàn trên mạng, nơi thảo luận về căng thẳng và tự gây thương tích.

Bệnh nhân stress tự gây thương tích cho bản thân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân stress tự gây thương tích cho bản thân. Ảnh: BVCC

Ban đầu sợ hãi nhưng vẫn mua dao lam, để sẵn trong phòng. Khi bị mẹ mắng vì điểm kém, cảm giác thất bại và tức giận dâng trào khiến bệnh nhân lần đầu tiên rạch tay mình. Từ đó, hành vi này trở thành một cách giải tỏa cảm xúc. Bệnh nhân cũng luôn mặc áo dài tay để che giấu vết thương.

Thời gian gần đây, cảm xúc của bệnh nhân tệ hơn nhiều, thường xuyên buồn chán, mệt mỏi, không muốn làm gì, giảm sự tập trung, luôn có ý nghĩ tiêu cực, ăn kém ngon, đêm ngủ khó vào giấc, nhiều lần rạch tay và nghĩ rạch sâu hơn để tìm đến cái chết.

Sau lần "vượt rào" đầu tiên, bệnh nhân liên tục rạch tay rất nhiều lần để giải thoát khỏi cảm xúc tiêu cực và dần trở thành phản xạ mỗi khi gặp khó khăn gì. Khi đi học, bệnh nhân cũng mang theo một con dao nhỏ trong cặp sách và trong một lần thực hiện hành vi này ở trong nhà vệ sinh, các bạn đã phát hiện, báo thầy cô và gia đình đưa em đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại bệnh viện, sau quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. mắc trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, kèm theo hành vi tự gây thương tích và ý tưởng tự sát.

Bệnh nhân T. được điều trị tích cực bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu kết hợp với các liệu pháp tâm lý.

Liệu pháp nhận thức hành vi giúp em thay đổi suy nghĩ tiêu cực, học cách kiểm soát cảm xúc thay vì tự làm đau bản thân.

Liệu pháp gia đình giúp bố mẹ hiểu rõ tình trạng của bệnh nhân, khuyến khích giao tiếp cởi mở và xây dựng sự gắn kết. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn kỹ năng hòa nhập xã hội để giảm sự cô lập.

Dấu hiệu nhận biết trẻ tự hủy hoại bản thân

Theo BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tự gây thương tích không tự tử (NSSI) là hành vi cố ý làm tổn thương cơ thể (như cắt, cào, đốt…) không nhằm mục đích kết thúc sự sống mà để xoa dịu những cảm xúc dồn nén như căng thẳng, trống rỗng hay bế tắc. Khác với xăm hình nghệ thuật hay nghi thức văn hóa, NSSI thường diễn ra trong im lặng, mang theo gánh nặng xấu hổ và tội lỗi.

Nguyên nhân sâu xa thường bắt nguồn từ môi trường gia đình đầy xung đột, nơi áp lực thành tích lấn át sự quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Những sang chấn xã hội như bắt nạt học đường, sự cô lập trong các mối quan hệ bạn bè, cùng với đặc điểm cá nhân như khó kiểm soát cảm xúc và nhạy cảm quá mức với stress, cũng góp phần đẩy các em vào vòng xoáy NSSI.

Đáng chú ý, cơ chế sinh học đằng sau hành vi này càng khiến nó trở nên khó đoạn tuyệt. Khi tự gây đau đớn, não bộ giải phóng endorphin (chất giảm đau tự nhiên) tạo cảm giác “thư giãn” tạm thời. Chính điều này vô tình biến NSSI thành thói quen, như một cách “tự chữa lành” lệch lạc. Mỗi vết cắt không chỉ in hằn trên da, mà còn phản ánh một cuộc chiến thầm lặng giữa tâm hồn non nớt và những gánh nặng vô hình.

Trong 6 tháng năm 2024, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 130 - 140 trường hợp bệnh nhân trẻ vị thành niên có hành vi trên.

Tuy nhiên không có một nguyên nhân đơn lẻ hay đơn giản nào khiến ai đó tự gây thương tích. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, những hành vi tự làm tổn thương bản thân như vậy có thể xuất phát từ áp lực học đường, từ các mối quan hệ với gia đình, bạn bè hoặc việc trẻ tự tạo áp lực cho bản thân buộc mình phải trở nên hoàn hảo.

BS Yến cho hay các dấu hiệu nhận biết trẻ có hành vi tự gây hại như xuất hiện các vết cào, thâm tím, dấu cắn, chữ, biểu tượng trên da (không bao gồm xăm, xỏ khuyên).

Mặc áo dài tay, quần dài khi trời nóng hay thường nói vết thương do tai nạn, tình cờ.

Ở lâu trong phòng tắm, phòng ngủ, cảm xúc hành vi không ổn định, bốc đồng, khó đoán. Bày tỏ rằng mình bất lực, vô vọng hoặc vô dụng, dần tách biệt với gia đình, bạn bè, học tập giảm sút; có vết máu trên quần áo hoặc những nơi lạ; đồ vật sắc nhọn trong nhà bị mất,….

BS Yến cho biết, khi trẻ có hành vi tự làm tổn thương bản thân thường có xu hướng lặp lại, khó kiểm soát. Vì thế, trẻ em trong lứa tuổi này, người lớn cần hết sức quan tâm, để ý, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để cho trẻ đi khám, ngoài điều trị bằng thuốc, trẻ sẽ được trị liệu tâm lý.

Cha mẹ cũng cần thường xuyên trao đổi, chia sẻ, trò chuyện với trẻ, cùng trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao để tăng sự kết nối, trẻ cởi mở hơn với bố mẹ, phòng các hành vi tiêu cực.

Theo VietnamDaily
back to top