PGS.TS Dương Đức Tiến, chuyên gia về tảo, Trung tâm công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, tảo có hàng chục nghìn loài, có loại tốt, có loại gây độc hại cho con người. Tảo silic (SO2) thường dùng để làm đẹp cũng có hàng nghìn loài, gồm có tảo nước mặn và tảo nước ngọt. Tảo silic nước mặn là thành phần chính của hệ sinh vật biển, ở Việt Nam cũng có rất nhiều. Tảo silic nước ngọt cũng không hiếm. Tảo silic biển là nguồn thức ăn chủ yếu cho sinh vật phù du biển, một số loài có dinh dưỡng giàu omega 3, có hàm lượng lipit cao, có thể làm dầu thực vật. Ở nước ngọt, các vùng có lịch sử địa chất núi lửa trước đây thường có trầm tích tảo, người ta sử dụng để tắm hay đắp mặt chính là bùn.
Tuy vậy, dùng tảo để làm đẹp cũng có những rủi ro nếu không hiểu biết. Từ trước đến giờ, mới chỉ có tảo xoắn spirula được coi là tảo có chức năng làm đẹp. Chưa có một chứng minh khoa học nào về tác dụng làm đẹp của các loài tảo khác. Nếu không may nguồn tảo làm nguyên liệu là tảo độc thì hại khôn lường, thậm chí có thể mất mạng. Khi sử dụng mỹ phẩm từ tảo, người tiêu dùng cần phải biết đó là loại tảo gì, nước mặn hay nước ngọt, tảo chiết xuất hay tảo sinh khối. Nhiều khi lợi dụng quảng cáo mập mờ, người ta sử dụng tảo chiết xuất, quy trình chiết xuất đó thường là chất chết, không giống như thành phần của nguyên liệu ban đầu.
Để làm đẹp bằng tảo an toàn, người dùng nên đọc thêm thông tin về các loài tảo trên mạng. Không nên nghe theo quảng cáo mập mờ rồi mất tiền oan, nhiều khi trắng da đâu không thấy, đã phải nhập viện vì ngộ độc.