Theo số liệu nghiên cứu, trong quả đu dủ chín có chứa 90% nước, 8,5% đường, còn lại là chất béo, protein, muối khoáng, nổi bật là canxi, photpho và các loại vitamin A, B, C.
Đu đủ có nhiều tác dụng
Hoa đu đủ có vị ngọt, đắng, tính ấm. Hoa đực có tác dụng làm thuốc chữa ho gà, ho khan, ho có đờm cho trẻ em. Trong nhựa của đu đủ có chất papain và một số chất khác làm tiêu hóa các chất thịt cho nên người ta lấy đu đủ xanh để hầm xương, ninh nấu những món ăn cần nhừ. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc có nguồn gốc từ đu đủ.
Chữa bệnh đau dạ dày: Đu đủ xanh, thịt gà, số lượng tùy theo. 2 thứ này ninh nhừ thành canh hoặc súp ăn tuần 2 lần sẽ điều trị được chứng đau dạ dày.
Chữa bệnh cầm máu, sỏi thận: Rễ cây đu đủ rửa sạch sắc uống có tác dụng cầm máu và lợi tiểu làm tan sỏi ở thận. Lá cây đu đủ đun lấy nước giặt những đồ vải quần áo có nhiều vết máu, rửa vết thương có trầy xước làm chảy máu trên mặt da.
Chữa bệnh ho mọi lứa tuổi: Hoa đu đủ đực 30g, rễ cây dâu 10g, cam thảo đất 15g. Rễ cây dâu lấy phần còn nằm trong đất, có màu vàng, cạo sạch vỏ bỏ lõi đi tước nhỏ, tẩm mật sao thơm. Cùng với các vị thuốc cho vào nồi 500ml nước, sắc kỹ còn 200ml uống trong ngày, chia làm 3 lần. Uống từ 5 – 7 ngày sẽ có hiệu quả.
Chữa ho gà trẻ em: Hoa đu đủ đực 30g, hoa hồng bạch 20g, lá húng chanh 30g, đường phèn 10g, rễ cây dâu 10g, cam thảo đất 10g. Rễ cây dâu lấy phần ở đất, rửa sạch, cạo sạch vỏ bỏ lõi, tước nhỏ. Tất cả các vị thuốc cho vào bát hấp cách thủy sau đó giã nhỏ cho thêm 100ml nước lọc vắt kỹ vào thuốc lấy ra nước trong cho thêm một chút đường phèn vào hấp cách thủy, đường tan cho trẻ uống 2 lần trong ngày, uống 5 – 7 ngày.
Chữa tàn nhang: Đu đủ xanh rửa sạch nghiền nhỏ với một chút nước thành dung dịch sền sệt bôi vào mặt và tay những nốt tàn nhang trên cơ thể sẽ mờ dần và hết, cần kiên trì bôi ngày 3 lần.
BS Kim Lan
(nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu T.Ư)