Bó lá điều trị gãy xương: Hiểm họa khó lường từ bài thuốc dân gian

Việc tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng hoặc bất động kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như hình thành huyết khối, cứng khớp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân bị huyết khối gây thuyên tắc phổi nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc tự ý sử dụng bài thuốc dân gian để điều trị chấn thương sau tai nạn sinh hoạt.

Bệnh nhân P.T.H, 62 tuổi, (Hưng Yên), nhập viện trong tình trạng hồi hộp, trống ngực, tim đập nhanh, lo lắng, mệt mỏi, ăn uống kém, đau đầu và ngủ không ngon giấc.

Được biết, trước đó 20 ngày, bệnh nhân bị vỡ mâm chày gối phải do tai nạn sinh hoạt và tự điều trị bó lá tại nhà, bất động 12 ngày. 1 tuần nay, bệnh nhân mệt mỏi, đau người, sốt và tự mua thuốc uống.

Tại viện, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phục vụ chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm phát hiện chỉ số D-Dimer tăng cao, đây là dấu hiệu cho thấy có sự xuất hiện cục máu đông trong mạch máu.

Hình ảnh chụp CT cho thấy huyết khối gần hoàn toàn nhánh phải động mạch phổi lan đến các nhánh động mạch phổi phân thuỳ trên - giữa - dưới. Ảnh PKCC

Hình ảnh chụp CT cho thấy huyết khối gần hoàn toàn nhánh phải động mạch phổi lan đến các nhánh động mạch phổi phân thuỳ trên - giữa - dưới. Ảnh PKCC

Kết quả siêu âm tĩnh mạch chi dưới bên phải phát hiện huyết khối tăng âm tĩnh mạch chày sau và tĩnh mạch mác gây lấp hoàn toàn lòng mạch chi dưới phải. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy huyết khối gây thuyên tắc động mạch phổi.

Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân có huyết khối gây thuyên tắc động mạch phổi, căn nguyên do huyết khối ở cẳng chân phải di chuyển lên. Nguyên nhân hình thành huyết khối ở chân do chấn thương, bất động kéo dài không được điều trị đúng phương pháp.

Bệnh nhân nhanh chóng được nhập viện để điều trị nội trú bằng thuốc chống đông đường tiêm. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bà H. cải thiện rõ rệt, không còn khó thở hay đau ngực, đi lại bình thường và được xuất viện.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa tái phát, bà H. phải tiếp tục sử dụng thuốc chống đông từ 3 đến 6 tháng. Sau 2 tháng tái khám, kết quả siêu âm và chụp mạch máu cho thấy huyết khối đã hoàn toàn biến mất.

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch phổi, ngăn chặn dòng chảy máu từ tim lên phổi. Đây là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm khó thở, đau ngực, ho, chóng mặt, vã mồ hôi, và đau nhức hoặc sưng phù ở chi dưới.

ThS.BS Phạm Duy Hưng, Phó Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thuyên tắc phổi là huyết khối tĩnh mạch sâu, đặc biệt ở chi dưới. Các trường hợp bất động kéo dài, chấn thương hoặc tự ý điều trị không đúng cách làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu.

Điều trị thuyên tắc phổi nhằm mục đích ngăn cục máu đông phát triển lớn hơn, đồng thời ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể gây tăng áp lực lên tim, dẫn đến suy tim hoặc tử vong đột ngột.

Qua ca bệnh này, ThS.BS Phạm Duy Hưng khuyến cáo rằng khi bị chấn thương, đặc biệt ở vùng chi dưới, người dân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng chuyên môn.

Việc tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng hoặc bất động kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như hình thành huyết khối, cứng khớp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Người dân cần chú ý theo dõi các triệu chứng bất thường như đau nhức, khó thở, hoặc sưng phù ở chân và đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hãy luôn đặt sức khỏe lên hàng đầu và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top