Nhiễm trùng vết thương nặng vì tự điều trị tại nhà, bài học cần lưu ý

Đắp lá cho vết thương nhanh lành, bệnh nhân nhiễm trùng nặng phải ghép da. Tuyệt đối không tự ý đắp lá cây hay sử dụng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng, vì có thể gây nhiễm trùng, tổn thương lan rộng hơn.

Bệnh nhân N.X.Q (sinh năm 1940, trú tại Động Linh, Quảng Yên, Quảng Ninh) không may bị tổn thương bàn chân trái, mất da. Ban đầu, vì chủ quan và nghe theo lời khuyên dân gian, bệnh nhân đã tự điều trị tại nhà bằng cách đắp lá cây với hy vọng vết thương sẽ nhanh chóng lành lại.

Tuy nhiên, sau một tuần, bàn chân bệnh nhân sưng nề, đau nhức ngày càng tăng, vết thương tiết dịch, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Nhận thấy tình trạng nghiêm trọng, gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm trùng nặng do đắp lá - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm trùng nặng do đắp lá - Ảnh BVCC

BS Nguyễn Đức Hoàn, khoa Ngoại đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn chân trái do vết thương không được xử lý đúng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Để hạn chế tổn thương lan rộng, các bác sĩ đã quyết định can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.

Sau khi làm sạch vết thương, loại bỏ mô hoại tử và sát khuẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ đã tiến hành ghép da để giúp phục hồi vùng da bị tổn thương. Đặc biệt, bệnh nhân được áp dụng phương pháp hút áp lực âm (VAC - Vacuum Assisted Closure) để hỗ trợ quá trình lành thương.

Xử lý vết thương cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Xử lý vết thương cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Hệ thống VAC hoạt động bằng cách đặt một miếng xốp chuyên dụng lên vết thương, sau đó bọc kín và tạo áp lực âm liên tục. Cơ chế này giúp:

- Hút dịch tiết ra khỏi vết thương, hạn chế nhiễm trùng.

- Kích thích mô hạt phát triển, giúp vết thương hồi phục nhanh hơn.

- Cải thiện lưu thông máu đến vùng bị tổn thương.

- Rút ngắn thời gian điều trị và giảm nguy cơ biến chứng.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hoàn, đây là một trường hợp điển hình của việc tự ý điều trị vết thương tại nhà mà không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh: “Khi bị chấn thương, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý đúng cách. Tuyệt đối không tự ý đắp lá cây hay sử dụng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng, vì có thể gây nhiễm trùng hoặc làm tổn thương lan rộng hơn.

Việc điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ giúp vết thương phục hồi nhanh hơn, tránh các biến chứng nguy hiểm”.

Trường hợp của bệnh nhân N.X.Q là một bài học quan trọng, nhắc nhở mọi người cần thận trọng trong việc xử lý vết thương.

Sự tiến bộ của y học với các phương pháp hiện đại như hệ thống VAC đã giúp điều trị hiệu quả nhiều trường hợp nhiễm trùng vết thương, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Theo VietnamDaily
back to top