Theo Đông y, mía có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận táo, giáng khí. Dùng trong trường hợp ho khan ít đàm, kể cả chứng ho ra máu. Nước mía còn dùng trong các chứng mất dịch vị do vị nhiệt, lưỡi đỏ rêu ít, miệng khô khát. Cũng có thể dùng cho người nôn ọe nhiều lần.
Người ta đã tính toán, 1 cốc nước mía chứa khoảng 13g chất xơ, tương đương 52% lượng chất xơ hằng ngày. Chế độ ăn uống giàu chất xơ giúp thúc đẩy giảm cân. Nước mía ngọt nên mặc dù uống vào ngon, sảng khoái nhưng nhiều người sợ làm tăng lượng đường trong máu. Thực tế, nước mía có lượng đường cao, nhưng nếu dùng mức độ vừa phải sẽ nhận được nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Lượng đường tự nhiên trong loại nước này có chỉ số đường huyết thấp, giúp ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến. Do có hàm lượng chất xơ cao nên uống nước mía thúc đẩy sức khỏe đường ruột, giảm táo bón, giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Trẻ hoạt động nhiều trong thời tiết oi bức nếu uống một ly nước mía giúp tăng cường năng lượng ngay lập tức cho cơ thể. Uống nước ép mía không chỉ làm tăng năng lượng mà còn tăng sức chịu đựng, giúp cơ thể chống nóng, chống mệt mỏi, phục hồi sức khỏe nhanh. Vì nước mía giàu canxi nên có thể giúp xương và răng phát triển tốt hơn. Uống nước mía giúp củng cố men răng, giảm nguy cơ sâu răng. Kali trong nước mía giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, hỗ trợ việc tiết dịch vị tiêu hóa, góp phần làm hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Nước mía cũng có tác dụng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng dạ dày. Những người mắc bệnh thận, đặc biệt sỏi thận nên uống nước mía vì sỏi thận có nguyên nhân do tình trạng mất nước trong cơ thể. Để tái hydrat hóa, có thể uống nước mía hàng ngày giúp phá vỡ sỏi thận. Khi sốt cao, uống 1 cốc nước mía giúp hạ sốt nhanh. Thêm vào đó, nước mía rất giàu vitamin và khoáng chất như photpho, sắt, kali, canxi và magiê khiến cơ thể phục hồi sự thiếu hụt các vitamin, giúp giảm sốt nhanh.
BS Quang Anh (Vĩnh Hồ, Hà Nội)