Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh vị và phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hoà trung hạ khí, lợi tiểu, giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá, thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như môi khô miệng khát, tân dịch bất túc (bệnh lý sốt cao gây mất nước), tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, nôn mửa, sốt cao phiền nhiệt...
Theo dinh dưỡng học hiện đại, thành phần hoá học của mía khá phong phú, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, sắt.., vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D...Ngoài ra, còn có các axit hữu cơ và nhiều enzym. Trong đường mía có sucrose, glucose và fructose.
Trong dân gian cũng lưu truyền rất nhiều kinh nghiệm dùng nước mía để chữa bệnh và bồi bổ sức khoẻ: Dùng nước mía có pha thêm một chút nước gừng tươi để chữa chứng nôn mửa; Khi viêm kết mạc cấp tính nên uống nước mía có hoà lẫn nước sắc hoàng liên để giúp chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng; Với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết... nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm...
Viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu: Mía tươi 500g, 500g củ sen tươi. Mía gọt vỏ, ép lấy nước. Củ sen gọt vỏ, cắt thành lát tròn mỏng. Cho nước mía và củ sen vào máy xay sinh tố xay uống 3 lần mỗi ngày. Công dụng: Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, bí tiểu, tiểu từng giọt.
Trúng nắng: Cà chua 200g, mía 150g. Cà chua rửa sạch, thái miếng; mía róc vỏ, chặt nhỏ; hai thứ dùng máy ép lấy nước, chia uống vài lần trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt, có tác dụng kích thích tiêu hóa, phòng chống hữu hiệu tình trạng miệng khô, lưỡi nhiệt, trúng nắng, trúng nóng, chảy máu chân răng…
Viêm thận mạn tính, cao huyết áp: Mía 350g, mã thầy 200g, đường phèn 80g, cà rốt 200g. Mã thầy rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước muối một lát rồi lại rửa sạch. Mía róc vỏ, chặt khúc, ngâm qua nước muối. Cà rốt rửa sạch thái miếng. Tất cả cho vào nồi đun trong 30 phút với lượng nước vừa đủ, để nguội uống trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt hóa đàm, tiêu tích hóa thực, sinh tân chỉ khát, lợi niệu hạ áp, dùng rất tốt cho những người bị viêm đường tiết niệu, viêm họng, tiểu tiện bất lợi, viêm thận mạn tính, cao huyết áp, say rượu...
Lưu ý: Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Đặc biệt, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía.
BS Khánh Hiển (Bệnh viện TƯQĐ 108)