Các nhà khoa học ở Mỹ mới phát hiện rằng, gần 25% mẫu gia cầm họ kiểm tra từ những cửa hàng bán lẻ có chứa vi khuẩn cùng mẫu với các vi khuẩn có trong nước tiểu của bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Người mắc chủ yếu là phụ nữ
Phát hiện này đã khiến các nhà khoa học ở Mỹ tin rằng, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể do vi khuẩn E.coli gây ra, nó được tìm thấy trong ruột và phân của nhiều động vật. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng, các bệnh nhân bị lây nhiễm vi khuẩn khi ăn thịt gia cầm chưa nấu chín hoặc họ không xử lý thịt sống đúng cách.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu thu thập 1.020 mẫu nước tiểu từ các bệnh nhân UTI, đa số là phụ nữ. Họ tìm thấy 21% có vi khuẩn E.coli. Các vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng được tìm thấy trong 38% của 200 mẫu thịt được kiểm tra tại Bắc California. Khoảng 1/3 (32%) mẫu gà và 14% mẫu gà tây chứa các chủng vi khuẩn giống với những bệnh nhân mắc bệnh trên.
“Vì một lý do nào đó, gia cầm dường như bị ô nhiễm nhiều hơn các mẫu thịt khác. Khi so sánh các dấu vết của vi khuẩn E.coli từ gia cầm và các ca viêm đường tiết niệu ở người, chúng tôi nhận thấy có sự chồng chéo của một số kiểu gene. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân tại sao các ca nhiễm trùng đường tiết niệu có cùng chủng vi khuẩn E.coli được tìm thấy ở gia cầm”, TS Lee Riley, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại trường Y tế Công cộng Berkeley, Mỹ cho biết.
Nguy cơ viêm đường tiết niệu khi ăn thịt gia cầm chưa chín. Ảnh Trần Hải.
Trước thông tin này, GS.TS Phùng Đắc Cam, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu vi khuẩn đường ruột, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho hay, thông tin viêm đường tiết niệu do nhiễm phải vi khuẩn từ gia cầm là đúng và đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học ở trong nước. Trong đó, E.coli là một trong những vi khuẩn chính. Hơn thế nữa, vi khuẩn này còn gây ra nhiều bệnh cũng nguy hiểm không kém.
“Trong những trường hợp xấu nhất, nhiễm E.coli có thể dẫn đến suy thận và thậm chí tử vong. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm đường tiết niệu, căn bệnh gây đau vùng chậu hoặc đau, rát khi đi tiểu, nhưng chúng đặc biệt phổ biến ở phụ nữ, vì có niệu đạo ngắn hơn nam giới”. TS Lee Riley.
Cẩn trọng khi chế biến gia cầm sống
GS Phùng Đắc Cam phân tích, trong gia cầm có chứa nhiều vi khuẩn, bao gồm E.coli. Nguồn vi khuẩn có trên gia cầm có thể do môi trường, không khí, lây từ người sang hoặc từ các ổ phân…
Khi chúng ta làm lông hay rửa thịt gia cầm, vi khuẩn không chết mà vẫn sống trên nguồn thịt đó. Nếu chúng ta không nấu kỹ, vi khuẩn sẽ đi theo đường miệng vào cơ thể. Tùy vào chủng loại chúng có thể gây ra ba bệnh chính là tiêu hóa (như gây nôn mửa, tiêu chảy…), tiết niệu (đau vùng chậu và đi tiểu buốt, rát, đau) và gây nhiễm trùng huyết.
“Vi khuẩn E.coli có nhiều loài và tùy vào loài này chúng sẽ gây các nguy cơ đến sức khoẻ, trong đó gồm có đường tiết niệu. Điều này đã được các nhà khoa học Việt Nam chứng minh qua một số đề tài như tìm thấy vi khuẩn tiết niệu liên quan đến gia cầm. Vì thế, việc ăn thịt gia cầm cần phải chín để đảm bảo an toàn”, GS.TS Phùng Đắc Cam cho hay.
Theo đó, vi khuẩn E.coli nói riêng và các vi khuẩn nói chung thường chết ở nhiệt độ 50 – 600C, trong 30 phút. Để an toàn, cần nấu sôi 1000C, vi khuẩn sẽ chết hoàn toàn. Nhiều gia đình có thói quen luộc gà, vịt vẫn còn hơi đỏ phía trong. Vì cho rằng ăn như thế sẽ ngọt là hoàn toàn sai lầm. Bởi lúc này, thịt chưa chín đồng nghĩa vẫn có thể còn vi khuẩn sống trong đó. Tốt nhất nên luộc gà vịt thật chín mới ăn.
Đặc biệt, trong quá trình rửa và chế biến gia cầm thì cần đảm bảo để tránh dây nước hay thịt sống ra môi trường xung quanh. Khi thái chặt, cần sử dụng hai thớt riêng biệt và nên là thớt khô. Không dùng chung thớt, nhất là khi đang ẩm ướt mà dùng lại do đây là điều kiện vi khuẩn sống.
Hiền Dung