Mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu không nên dùng.
Nước mía cũng có thể rất độc
TS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, mía chứa nhiều calci, crôm, coban, đồng, manhê, mangan, phốt pho, kali, kẽm… Vitamin của mía cũng đa dạng như vitamin A, C, B1, B2, B3, B5 và B6 cùng các dưỡng chất tự nhiên như chlorophyll, chất kháng oxy hóa, protein, chất xơ bão hòa và những hợp chất khác tốt cho sức khỏe.
Lượng nước bên trong cây mía chiếm 84%, đường chiếm 12% với nhiều loại đường như sucralose, glucos và fructose (đường hoa quả), rất dễ hấp thụ. Trong 100g mía có chứa 0.4g protein, 0.1g chất béo, 15.4g carbohydrate, 0.6g chất xơ, 10.01mg vitamin B, 20.20mg vitamin A, vitamin C, 14mg canxi, 1mg kẽm.
Những chất này góp phần chống lại bệnh ung thư, bình ổn đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường, giúp giảm cân, giảm sốt co giật, thanh lọc thận, ngừa sâu răng, cùng nhiều bệnh lý khác.
Đặc biệt, TS Hoàng Kim Thanh cho biết, tuyệt đối không ăn mía “chảy máu”, có những mắt đỏ. Khi mía để lâu, lượng đường cao khiến nấm mốc phát triển nhanh.
Loại nấm này có tên là “nấm độc Arthrinium”, chuyên sản sinh một loại độc tố thần kinh có tên “Axit 3-nitropropionic” gây tổn thương tới hệ thống thần kinh trung ương.
Ăn phải cây mía bị nhiễm độc, biểu hiện ban đầu là hệ thống tiêu hóa bị rối loạn với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiếp theo là hệ thống thần kinh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…
Bệnh nặng có thể xuất hiện triệu chứng co giật, thậm chí đại tiểu tiện không thể tự chủ được dẫn đến hôn mê.
Tùy cơ địa mỗi người, có một số người sau khi ăn phải những đốm đỏ trong cây mía bị trúng độc nhưng chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ, không bị hoa mắt.
Người có bệnh cần thận trọng
Ths Nguyễn Tuyết Lan, nguyên Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng cho hay, trong Đông y, cây mía có tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trợ tì, tốt cho dạ dày, ruột non, tiêu viêm, có công hiệu giải rượu, giúp giải khát, chống táo bón, giải rượu, hôi miệng, chữa chứng ho, đau họng,…
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía được gọi là cam giá, vu giá, thử giá… vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh vị và phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hoà trung hạ khí.
Đa số mọi người đều có thể ăn mía nếu cây mía lành, an toàn. Tuy nhiên, do hàm lượng đường trong cây mía khá cao nên những người mắc bệnh tiểu đường, người mắc chứng rối loạn trao đổi chất và người bị mỡ trong máu cao nên thận khi ăn mía.
Người có tị và dạ dày thể hàn, lạnh bụng không thích hợp ăn mía. Người bình thường khi ăn mía cũng nên chú ý, không nên ăn quá nhiều nhằm hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể, tránh phát sinh bệnh béo phì.
Với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết… nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm…
Tuy nhiên, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía.
Khi uống nước mía có pha thêm một chút nước gừng tươi để chữa chứng nôn mửa.
Cũng theo TS Hoàng Kim Thanh, để ăn mía an toàn, chọn cây mía có thân to khỏe, bề ngoài trơn bóng, vỏ thân cây mía có màu tím, trên thân cây còn bám một lớp phấn màu trắng, khi dóc vỏ, phần thịt mía có màu trắng sáng, chắc chắn, chứa nhiều nước, có vị mát.
Nếu phát hiện cây mía có vị lạ giống như bị nhiễm độc thì tuyệt đối bỏ không ăn. Khi đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía.
Bởi các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol, sẽ làm mất tác dụng của thuốc ảnh hưởng tới hiệu quả chữa bệnh.
Hồng Linh