Phần lớn những cơn hoa mắt, chóng mặt thường đi kèm với đau đầu, xuất hiện khi thay đổi thời tiết, những lúc công việc căng thẳng, stress hay đôi khi có liên quan đến chu kỳ kinh nguyêt. Với những với người thường xuyên bị huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, thiếu máu… thì tình trạng của bệnh luôn ở mức trầm trọng hơn. Cũng vì thế mà suy giảm trí nhớ và mệt mỏi kinh niên thường gặp ở những người này hơn cả.
Theo các chuyên gia, nếu thường xuyên xuất hiện hiện tượng này cần sớm có sự thăm khám của bác sĩ để được tư vấn kịp thời. Tuyệt đối tránh việc đứng dậy đột ngột, hoặt thức dậy đột ngột vì dễ làm cơ thể mất thăng bằng và gây choáng váng. Ngoài ra, bạn cũng cần điều chỉnh chế độ ăn theo những gợi ý sau đây:
Ảnh minh họa
Không ăn quá mặn
Mặc dù muối natri rất cần thiết cho sức khỏe, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều muối sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim, suy thận và chóng mặt.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên tiêu thụ quá 2-3 g muối mỗi ngày. Bạn nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh chứa nhiều muối như khoai tây chiên, bánh quy giòn, nước sốt cà chua, thịt nguội, xúc xích và thịt xông khói.
Không ăn nhiều đường
Dùng thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường cũng là lý do khiến tình trạng chóng mặt kéo dài. Do đó, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chúng ta chỉ nên tiêu thụ đường mỗi ngày ở mức 6 muỗng cà phê (đối với nữ) và 9 muỗng cà phê (đối với nam) là an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng nên dùng thêm ngũ cốc nguyên hạt, hoặc sữa ít chất béo để ngăn chặn sự mất cân bằng lượng đường trong máu.
Không uống rượu bia và cà phê
Theo khuyến cáo từ các nhà khoa học trường đại học Y tế trung tâm Maryland (Mỹ), nồng độ cồn trong rượu bia và chất caffeine trong cà phê cũng là những chất kích thích góp phần làm tăng thêm chứng buồn nôn, chóng mặt và đau đầu. Vì thế, bạn nên tránh dùng những loại thức uống này để nhanh chóng hạn chế chứng hoa mắt, chóng mặt và đau đầu.
Gia cầm không da có thịt trắng như: thịt gà, vịt, rất thích hợp cho người thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Ảnh minh họa
Tăng cường protein
Protein cung cấp các axit amin – các khối xây dựng mô nạc. Protein cũng giúp ổn định lượng đường trong máu và có thể ngăn chặn hoặc giảm chóng mặt gây ra bởi việc bỏ bữa, và hạ đường huyết liên quan đến bệnh tiểu đường.
Vì vậy cần tăng cường nguồn protein ít chất béo bão hòa, bao gồm gia cầm không da có thịt trắng như: thịt gà, vịt, cá, các loại đậu, lòng trắng trứng, đậu hũ và sữa ít chất béo hoặc các sản phẩm đậu nành.
Ăn bổ sung ngũ cốc nguyên hạt
Thường xuyên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay cho các loại ngũ cốc tinh chế là một trong những phương pháp ngăn ngừa chóng mặt và các triệu chứng khác của hạ đường huyết. Đối với những người bị thiếu máu gây hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi thì việc thường xuyên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt cũng mang lại tác dụng hữu hiệu
Các loại ngũ cốc nên sử dụng: bánh mì, gạo lức, các loại ngô, lạc, đỗ,…
Nước ép trái cây, trái cây
Nước ép trái cây, hoa quả tươi và rau xanh là một trong những thực phẩm có tác dụng hạn chế chứng chóng mặt rất hiệu quả. Người hay bị hoa mắt chóng mặt nên đặc biệt bổ sung những thực phẩm dồi dào vitamin C như: họ cam quýt, sơ ri, dâu tây, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, khoai lang, củ cải trắng, xoài, đu đủ, dứa, bắp cải, kiwi và rau lá màu xanh đậm.
Ngoài ra, bạn cần bổ sung nước đầy đủ để cơ thể hoạt động tốt hơn.