Tìm hiểu về chóng mặt
Chóng mặt là tình trạng cơ thể mất thăng bằng, với cảm giác đầu óc bỗng dưng quay cuồng, mọi vật xung quanh chuyển động xoay tròn! Chóng mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở người cao tuổi và nữ nhiều hơn nam (chiếm khoảng 20% người trên 60 tuổi đã từng bị chóng mặt).
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân gây ra chóng mặt như:
– Viêm dây thần kinh tiền đình hay viêm mê đạo do virút hay vi khuẩn.
– Bệnh ménière gây ứ dịch ở tai trong.
– Sự tích tụ canxi ở tai trong gây ra chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign paroxysmal positional vertigo: BPPV).
Các bệnh lý tim mạch; xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, đau nửa đầu (migrain), bệnh thiếu máu…
– Các tổn thương ở não do chấn thương, khối u, đột quỵ…
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc chống ung thư…
– Say tàu xe.
– Do tâm lý như sợ hãi, căng thẳng, stress…
Triệu chứng:
Choáng váng, mất thăng bằng.
Buồn nôn và nôn.
Ù tai.
Toát mồ hôi.
Rung giật nhãn cầu…
Thuốc điều trị chóng mặt
Thuốc được sử dụng trong điều trị chóng mặt tùy thuộc vào nguyên nhân phát sinh và có nhiều loại khác nhau:
Nhóm thuốc kháng sinh (amoxicillin, cefuroxim, clarithromycin…) có tác dụng kháng khuẩn, được sử dụng trong điều trị chóng mặt do viêm mê đạo hay viêm dây thần kinh tiền đình gây ra bởi vi khuẩn.
20% người trên 60 tuổi đã từng bị chóng mặt
Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, dexamethasone, betamethasone, clobetasol …) có tác dụng kháng viêm, thường được kết hợp với thuốc kháng sinh trong điều trị chóng mặt do viêm mê đạo hay viêm dây thần kinh tiền đình.
Cần lưu ý: các thuốc kháng viêm corticosteroid khi sử dụng trong một thời gian dài có thể gây viêm loét dạ dày- tá tràng và các nguy cơ trên thận, tim mạch…
Nhóm dyphenhydramin, betahistin, meclizin…) là nhóm thuốc thông dụng trong điều trị chóng mặt. Nhóm thuốc này tác động bằng cách duy trì sự hoạt động bình thường của tai trong, giúp kiểm soát trạng thái thăng bằng của cơ thể.
Cần lưu ý: nhóm thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Do đó, không được sử dụng khi đang lái tàu xe, vận hành máy móc và thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú..
Nhóm thuốc kháng tiết cholin: Scopolamin là hoạt chất thuộc nhóm kháng tiết cholin, có trong cây cà độc dược và được sử dụng trong điều trị chóng mặt, buồn nôn do say tàu xe.
Cần lưu ý: không sử dụng scopolamin trong trường hợp sau:
– Người mắc bệnh tăng nhãn áp (glaucoma).
– Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
– Trẻ em dưới 8 tuổi.
Nhóm thuốc đối kháng canxi có chọn lọc (cinarizin, flunarizin… ) có tác dụng giãn mạch ngoại biên, tăng cường tuần hoàn máu ở tai trong. Và thường được sử dụng hiệu quả trong điều trị chóng mặt do say tàu xe hay bệnh đau nửa đầu…
Cần lưu ý: nhóm thuốc này có tính chất của thuốc kháng histamin, nên có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Do đó, không được sử dụng nhóm thuốc này khi đang lái tàu xe, vận hành máy móc và thận trọng đối với cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Nhóm thuốc tăng cường tuần hoàn não (piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba…) giúp tăng cường máu lên não, hoạt hóa não thực hiện tốt chức năng dẫn truyền thần kinh, làm giảm chóng mặt, ù tai.
Nhóm thuốc benzodiazepin (diazepam, clonazepam, lorazepam…) có tác dụng an thần, thường được sử dụng trong điều trị chóng mặt do bệnh ménière, viêm dây thần kinh tiền đình hay do nguyên nhân tâm lý.
Cần lưu ý: nhóm thuốc này có tính an thần nên không được sử dụng khi đang vận hành máy móc, lái xe và khi dùng liều cao trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc!
Nhóm thuốc lợi tiểu (furosemid, hydrochlorothiazid…) có tác dụng lợi tiểu, giúp thoát dịch ở tai trong nên được sử dụng trong điều trị chóng mặt gây ra do bệnh Ménière.
Acetyl-DL-leucin là một axít amin được sử dụng hiệu quả trong điều trị chóng mặt, tuy cơ chế tác động chưa được biết rõ.
Hầu hết các thuốc sử dụng trong điều trị chóng mặt là các thuốc kê đơn và có nhiều tác dụng phụ, nên cần phải được sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh những cử động đột ngột và tránh sử dụng các chất kích thích như: bia, rượu, cà phê, thuốc lá, tập thể dục đều đặn… sẽ giúp mau hồi phục và ngăn ngừa sự tái phát các cơn chóng mặt!
Theo DS. Mai Xuân Dũng (Suckhoedoisong.vn)