Ảnh minh họa.
Ca lâm sàng chóng mặt mạn tính khó tìm nguyên nhân
Bệnh nhân (BN) Trần Văn H. (54 tuổi (Hòa Bình), có tiền sử khỏe mạnh nhưng hơn 2 năm nay thường bị chóng mặt, đi lại chếch choáng, đau đầu nhẹ, không đứng được lâu, giảm sút nghiêm trọng sức lao động. BN đã đi khám ở nhiều nơi, điều trị cả Đông và Tây y đều không tìm ra nguyên nhân, chỉ kết luận rối loạn tiền đình do thiếu máu não, điều trị ít hiệu quả.
BN đến khám tại Bệnh viện Quân y 103, được xác định hội chứng tiền đình trung ương. Truy tìm nguyên nhân, siêu âm động mạch cảnh phát hiện hẹp gần hoàn toàn động mạch cảnh trong trái. Chụp cộng hưởng từ mạch thấy mất dòng chảy động mạch cảnh trong bên trái, có nhồi máu nhỏ trong não chưa dẫn tới liệt chi.
Ca hẹp động mạch cảnh trong ngoài sọ bên trái gây nhồi máu não.
Hậu quả của hẹp động mạch cảnh?
Hẹp động mạch cảnh là bệnh thường gặp, chiếm 2 – 8% dân số, đặc biệt nhiều ở người > 50 tuổi kết hợp với các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch chung, tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, nghiện thuốc lá…
Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên 2 bên cổ và sau đó cho nhánh vào não nằm trong sọ. Chức năng của động mạch cảnh là cung cấp máu cho não. Khi động mạch cảnh trở nên hẹp hoặc tắc nghẽn thì có thể gây đột quỵ nhồi máu não.
Hẹp động mạch cảnh < 50% thường chưa có biểu hiện lâm sàng. Còn hẹp động mạch cảnh có triệu chứng là biểu hiện của thiếu máu não hay nặng hơn là tai biến mạch máu não (đột quỵ thiếu máu não).
Đột quỵ thiếu máu cục bộ là kết quả của tình trạng thiếu oxy trong một phần của não. Nó có thể do huyết khối (thrombosis) của động mạch cảnh trong hoặc tắc mạch (di cư của một cục máu đông hoặc mảnh xơ vữa) từ hẹp động mạch cảnh lên động mạch não.
Trong cả hai trường hợp, một phần của não ít được tưới máu sẽ có tổn hại thần kinh, gây nên triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng với vùng não bị thiếu máu.
Các triệu chứng đột quỵ có thể gặp là chóng mặt, mất thăng bằng, liệt nửa người, liệt mặt, rối loạn cảm giác nửa người, mờ mắt hoặc rối loạn ngôn ngữ. Đa phần tắc động mạch cảnh trong có bệnh cảnh lâm sàng nặng (nếu tuần hoàn bên kém), người bệnh đi vào rối loạn ý thức rồi hôn mê.
Hẹp động mạch cảnh có triệu chứng lâm sàng khi hẹp > 70%, nếu chưa bị đột quỵ thì các triệu chứng mơ hồ và không đặc hiệu. Biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng thiếu máu não như đau đầu nhẹ, chóng mặt, hoa mắt khi thay đổi tư thế, nhanh mệt mỏi, ngủ không sâu giấc, khả năng lao động giảm, trí nhớ giảm.
Ngoài ra, một số người có biểu hiện báo hiệu xắp đột quỵ xảy ra, đó là những cơ thiếu máu não cục bộ thoảng qua (TIA).
Phát hiện sớm để tránh đột quỵ
Các nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ nhồi máu não do hẹp động mạch nội sọ ở người châu Á là 30 – 50%, trong đó nhồi máu do hẹp động mạch cảnh chiếm 5 – 10% số bệnh nhân đột quỵ não. Tuy nhiên, bệnh hẹp động mạch cảnh ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá trễ khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, rất nhiều BN đột quỵ do hẹp động mạch cảnh bị tàn phế suốt đời. Điều này có thể tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm. Do đó, những BN có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi > 50, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động… không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ.
Phương pháp phát hiện bệnh đơn giản nhất là siêu âm Doppler có thể phát hiện và đánh giá được mức độ hẹp động mạch cảnh ngoài sọ khá chính xác.
Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) hoặc chụp CT đa lớp cắt (MSCT) để đánh giá toàn thể hệ thống động mạch trong và ngoài sọ. Phương pháp chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) sọ não thường sử dụng trong can thiệp điều trị. Đây là phương pháp đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng lòng mạch, được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch máu.
Khi bệnh nhân phát hiện hẹp động mạch < 50% mà chưa có triệu chứng lâm sàng đột quỵ não, cần được điều trị và theo dõi định kỳ bằng siêu âm động mạch cảnh.
Trường hợp BN hẹp động mạch cảnh đột nhiên xuất hiện triệu chứng như méo miệng, liệt nửa người hoặc chỉ một bên tay/chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên, rối loạn thăng bằng thì nhiều khả năng BN bị đột quỵ nhồi máu não… thì cần nhập viện cấp cứu sớm nhất, tốt nhất là trước 3 giờ đến cơ sở điều trị đột quỵ chuyên khoa có can thiệp mạch và dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Theo hướng dẫn của Hội đột quỵ Mỹ, khi hẹp >50% động mạch cảnh có triệu chứng đột quỵ hoặc hẹp > 70% động mạch cảnh mà không có triệu chứng tai biến mạch máu não thì có chỉ định điều trị tích cực chỗ hẹp.
Hiện nay có hai phương pháp chính là phẫu thuật bóc tách nội mạc động mạch cảnh bị xơ vữa và đặt stent động mạch cảnh ngoài sọ. Điều trị nội khoa hẹp động mạch cảnh bằng việc kiểm soát huyết áp, kiểm soát tốt đường máu, giảm mỡ máu mức cho phép; không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tăng tập thể dục.
Nếu mảng xơ vữa động mạch cảnh bị sùi, loét thì phải dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel, Cilostazol) và theo dõi tích cực.
TS.BS Nguyễn Văn Tuấn
(Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103)