Điểm huyệt cơ bản phòng trị chóng mặt (ảnh minh họa).
Tam âm giao: Vị trí ở lồi cao mắt cá trong đo lên 3 thốn, sát bờ sau xương chày. Huyệt hội ba kinh âm, tác dụng bổ âm, dưỡng huyết, kiện tỳ thận trừ thấp…
Túc tam lý: Vị trí dưới đầu gối 3 thốn, mép ngoài cẳng chân. Tác dụng: Kiện tỳ, dưỡng huyết, thông kinh lạc…
Phong trì: Vị trí phía sau tai chỗ hỏm chân tóc. Tác dụng: Thanh can hỏa, đau đầu, chóng mặt…
An đường: Vị trí trung điểm đầu trong cung lông mày. Tác dụng: Định thần trí, thanh nhiệt, đau đầu, chóng mặt…
Thần đình: Vị trí từ mũi thẳng lên trán, quá chân mí tóc 0,5 thốn. Tác dụng trị đau đầu chóng mặt…
Bách hội: Vị trí ở đĩnh đầu, hội huyệt các kinh dương, tác dụng trị đau đầu chóng mặt, thăng dương…
Hợp cốc: Vị trí trung điểm xương bàn tay ngón hai, huyệt chính điều trị bệnh tật vùng đầu. Ngoài huyệt cơ bản trên cần gia giảm một số huyệt theo từng thể chứng cho phù hợp như sau:
– Nếu chóng mặt, đầu cảm nóng, mặt mắt hồng, hay tức giận, miệng đắng khát nước, lưỡi đỏ, mạch huyền do can hoả vượng, gia huyệt tác dụng liễm giáng hoả như: Thái dương, thái xung…
– Nếu chóng mặt khi ngồi xuống đứng dậy, nằm nghỉ thấy đỡ, ăn ngủ kém, mệt mỏi, do khí huyết hư, gia huyệt tác dụng bổ khí huyết như: Quan nguyên, khí hải..
– Nếu chóng mặt, ù tai, kém trí nhớ, lưng gối yếu, mạch trầm tế, do thận tinh bất túc, gia huyệt tác dụng bổ thận như: Thận du, dũng tuyền, quan nguyên…
Ngoài ra phòng trị chóng mặt khi đi tầu xe gia huyệt tác dụng định tâm cầm nôn như: Nội quan, thiên đột… Khi vặn cổ chóng mặt tăng, có thoái hoá đốt sống cổ gia huyệt tác dụng thư cơ, thông kinh lạc như: Phong phủ, thiên trụ…
Để tăng thêm tác dụng thăng dương khí, hóa thấp, những người mập trệ, vốn sợ lạnh, nên cứu ấm huyệt túc tam lý, quan nguyên, khí hải…
Lương Y Phan Thị Thạnh
(Hội Đông y TP Vũng Tàu)