Cơn bão số 12 (Damrey) đã gây ra thiệt hại nặng nề, cướp đi sinh mạng của ít nhất 27 người và làm hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ hoàn toàn.
Bão Damrey đã gây ra thiệt hại nặng nề khi 27 người chết, 22 người mất tích. Gần 40000 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hại…
Thiệt hại “khủng khiếp” do bão Damrey
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa tiếp tục công bố những con số thiệt hại do bão số 12 (bão Damrey) gây ra, hiện đã có 27 người chết (Bình Định 03 người, Khánh Hòa 16 người, Lâm Đồng 03 người, Đăk Lắk 01 người, 04 người sự cố tàu vận tải); 22 người mất tích (Bình Định 04 người, Phú Yên 01 người và 17 người do sự cố tàu vận tải).
Bão Damrey còn khiến 626 nhà bị sập đổ, 39.704 nhà tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi 57 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 12.577 nhà, Khánh Hòa 25.495 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 66 nhà).
Hơn 4.425 ha lúa bị ngập úng (Bình Định 379ha, Phú Yên 52 ha, Khánh Hòa 3.748 ha, Gia Lai 25 ha, Đắk Lắk 60 ha, Lâm Đồng 100 ha); 25.212 ha diện tích rau màu bị ngập, hư hại (Bình Định 22 ha, Phú Yên 16.707ha, Khánh Hòa 119 ha, Gia Lai 557 ha, Đắk Lắk 7.699 ha, Đắk Nông 110 ha).
Bão số 12 cũng khiến 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng (Bình Định 02 tàu, Phú Yên 114 tàu, Khánh Hòa 112 tàu); 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản (Bình Định 10 lồng, Phú Yên 24 lồng, Khánh Hòa 1.457 lồng).
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực PCTT Bộ Công thương, tính đến 16h00 ngày 04/11, hình hình hệ thống lưới điện như sau: Sự cố lưới điện 110kV: Bình Định: Toàn bộ trạm biến áp 110kV đã được khôi phục và cấp điện; Phú Yên: 03/07 TBA 110kV chiếm 42,9% (Tuy Hòa 2, Hòa Hiệp, Sơn Hòa); Khánh Hòa: 09/11 TBA 110kV chiếm 81.2% (Trừ trạm Cam Ranh và Nam Cam Ranh); Gia Lai: 03/09 TBA 110kV chiếm 33,3% (Đức Cơ, Chư Sê, Chư Prong); Đăk Lăk: 02/09 TBA 110kV chiếm 22.2% (Eakar và Krong Pak).
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang mất điện toàn tỉnh; Tỉnh Khánh Hòa đang mất điện toàn tỉnh, trừ thanh phố Nha Trang; Tỉnh Bình Định cũng mất điện toàn bộ, trừ huyện Tam Quan; Tỉnh Đăk Lăk: mất điện khu vực Eakar, Krong Pak, Ma Drak; Tỉnh Quảng Ngãi: toàn bộ huyện Sơn Hòa, Sơn Tây, Ba Tơ và một phần huyện Trà Bồng mất điện; Tỉnh Kon Tum: 08 xã Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút, Ngọc Tem, Hiếu, Pờ E thuộc khu vực huyện Kon Plong; Tỉnh Đăk Nông: một phần huyện Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong, Cư Jut.
Thông tin mới nhất liên quan sự cố tàu vận tải tại Bình Định, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, có 10 tàu/91 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn. Hiện có 04 người chết, 17 người mất tích, đã cứu vớt được 74 người.
Ngoài ra, vào lúc 23h00 ngày 03/11/2017, tàu cá BĐ95154 TS/02 lao động trên đường chạy vào Cảng cá Quy Nhơn tránh bão bị chết máy thả trôi ở tọa độ 13o37’N-109o48’E và bị mất liên lạc.
Kiên quyết sơ tán di dân khỏi vùng nguy hiểm
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 01/11, 1680/CĐ-TTg ngày 04/11 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 86/CĐ-TW ngày 03/11/2017 của Ban Chỉ đạo TWPCTT – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn. Tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; đảm bảo khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng. Tổ chức dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực thiệt hại do thiên tai, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với lũ lớn sau bão.
Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.
Hải Ninh/Kiến thức