Bùng nổ bão vì biến đổi khí hậu

Việc bùng nổ bão, nhất là bão mạnh cho thấy một thực tế đáng lo ngại về mối liên quan giữa sự gia tăng của các cơn bão có cường độ ngày càng lớn, xuất hiện ngày càng thường xuyên với tình trạng biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho rằng việc bùng nổ bão, nhất là các cơn bão mạnh, bão có đường đi phức tạp có mối liên hệ với biến đổi khí hậu.

Bùng nổ bão mạnh, bão phức tạp

GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, ĐHTN, ĐHQGHN cho biết sự xuất hiện của bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trong những năm gần đây ngày càng khó đoán, khác thường cả về vùng đổ bộ, hướng đi lẫn sự gia tăng của bão mạnh, siêu bão… Trước đây, ở Việt Nam vùng đổ bộ của bão thường là Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng các cơn bão/ATNĐ vào các khu vực này ít đi, chúng dịch sang Đông Nam (Trung Quốc) hoặc dịch chuyển xuống phía Nam, khu vực trước đây rất ít khi có bão. Không chỉ có vùng đổ bộ, đường đi của bão phức tạp, mà chúng ta cũng ghi nhận tần suất xuất hiện dày đặc của bão mạnh, siêu bão trong những năm gần đây.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cơn bão có quỹ đạo rất phức tạp. Bão số 4 có tên quốc tế là Bebinca vừa qua di chuyển theo một quỹ đạo hết sức phức tạp là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy có sự gia tăng số lượng bão, trong đó các cơn bão mạnh.

TS Hoàng Phúc Lâm ví dụ: Năm 2017, trên khu vực Đại Tây Dương, tiếp ngay sau bão Maria là siêu bão Irma và siêu bão Harvey; gần đây nhất, đầu tháng 9/2018 là siêu Jebi với sức gió mạnh nhất đạt 217 km/h (cấp 16) tàn phá nặng nền Nhật Bản, và siêu bão Mangkhut với sức gió mạnh nhất đạt 275 km/h (cấp 17).

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của những cơn bão có đường đi phức tạp hay sự gia tăng của các cơn bão có cường độ mạnh ngày càng lớn, có mối liên quan với tình trạng biến đổi khí hậu và Trái Đất nóng lên toàn cầu.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự nóng lên toàn cầu và hoạt động của bão trên toàn cầu đã phát hiện ra rằng các cơn bão rất mạnh và siêu bão, với những cơn gió mạnh nhất xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt trên khu vực Đại Tây Dương.

Thậm chí một số nhà khoa học đã đề xuất có thể phải đề xuất thêm cấp độ 6 đối với bão ở Đại Tây Dương (hiện nay cấp độ cao nhất là cấp độ 5).

Các nghiên cứu đã chỉ ra, biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều cơn bão như Florence trên khu vực Bắc Đại Tây Dương và Mangkhut ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong tháng 9/2018 hay siêu bão Haiyan năm 2013 và siêu bão Irma năm 2017.

Tăng sức chống chịu

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, hiện nay việc dự báo bão còn nhiều khó khăn. Mặc dù có những cải thiện đáng kể trong 20 năm qua, nhưng các mô hình dự báo vẫn có những điểm yếu chưa khắc phục được.

Đó là sai số dự báo còn lớn, 200 km trong thời hạn dự báo 3 ngày. Đối với dự báo cường độ bão, hầu như không có sự cải thiện nào về khả năng dự báo cường độ bão trong hơn 20 năm qua. Các mô hình vẫn thường (khoảng 60-90%, tùy mô hình) dự báo thiên thấp cường độ bão.

Ngoài ra, các mô hình còn có một hạn chế phổ biến, đó là, các mô hình số có thể thay đổi quan điểm (lên-xuống, tăng-giảm) bất cứ lúc nào nên việc tham khảo là rất khó khăn.

“Có thể thấy biến đổi khí hậu cùng với các hạn chế về công nghệ, trong đó có mô hình dự báo đối với bài toàn dự báo quỹ đạo và cường độ bão đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác dự không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới”, TS Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.

GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ thêm, con người luôn nhỏ bé trước thiên tai, và gần như chúng ta không chống lại được “trời”. Vì thế, chúng ta cần học cách sống chung với thiên tai, hiểu về chúng để chủ động phòng tránh thiệt hại.

Thứ nhất là hoàn thiện về công nghệ dự báo để có sự chủ động tốt nhất. Siêu bão Mangkhut vừa qua là một ví dụ điển hình, nhờ dự báo tốt, chúng ta có sự phòng tránh tốt, nên đã giảm sự thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Cùng với đó cần phải nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai cho cả các cấp lãnh đạo và người dân để có sự chủ động và chung sống với thiên tai. Theo GS.TS Phan Văn Tân, khi chúng ta hiểu về bão/ATNĐ nói riêng và thiên tai nói chung, chúng ta sẽ biết cách chung sống và giảm nhẹ được những thiệt hại mà chúng mang lại.

Thống kê trong ngày 11/9/2018 cho thấy có tới 9 xoáy thuận nhiệt đới (bao gồm cả bão, áp thấp nhiệt đới và các vùng áp thấp) hoạt động đồng thời trên toàn cầu, trong đó có siêu bão Mangkhut. 

Sơn Hà

Theo Đời sống
Cách sử dụng tính năng nhắc giờ đi ngủ trên iPhone

Cách sử dụng tính năng nhắc giờ đi ngủ trên iPhone

Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với tình trạng sức khỏe tổng thể. Ứng dụng Sức khỏe trên iPhone có thể giúp bạn đặt mục tiêu ngủ và theo dõi tiến trình theo thời gian để đạt được mục tiêu đó.
back to top