Người Dao xem trọng con chó và kiêng ăn thịt chó.
Theo ông Trần Hữu Sơn – phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đó là phong tục truyền thống của người Dao vùng Tây Bắc.
Lúc đó mình như được thần linh tiếp sức, nhảy đạp trên than làm cho tàn lửa bắn tung tóe mà không thấy nóng là gì
Anh Tẩn Lào San
Huyền sử Bàn Vương
Đề án “Sưu tầm, bảo tồn sách cổ người Dao” do Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Lào Cai thực hiện từ năm 2006 với sự tài trợ của Quỹ Ford (Hoa Kỳ) giải mã hơn 700 sách cổ của người Dao thuộc các tỉnh Tây Bắc đã vẽ lại con đường di trú vào Việt Nam của họ.
Mặc dù kết quả nghiên cứu sách cổ nói trên không có vết tích về nguồn gốc, nhưng những truyền thuyết gắn liền với lễ hội, tục thờ cúng của các tộc người Dao đều dẫn đến một thủy tổ chung, đó là Bàn Vương.
Truyền thuyết kể từ thời xa xưa lắm có vùng đất do vua Bình Vương cai trị thường xuyên bị quân lân bang của vua Cao Vương xâm chiếm, dân tình luôn trong cảnh can qua. Bình Vương hứa với quần thần là ai giết được Cao Vương sẽ được vua gả con gái.
Nghe thế, long khuyển của Bình Vương tên là Bàn Hồ xung phong nhận lãnh nhiệm vụ. Bàn Hồ bơi suốt bảy ngày bảy đêm mới tới được đất của Cao Vương. Thấy con chó lạ mắt nên Cao Vương đem về nuôi và sớm tối cho theo bên mình.
Thừa lúc Cao Vương say rượu, Bàn Hồ cắn chết Cao Vương rồi ngoạm lấy đầu đem về được Bình Vương gả con gái và sau biến thành người.
Cũng có tộc người Dao kể khác rằng Bàn Hồ là tướng do trời giáng xuống hóa thành long khuyển để hành thích Cao Vương. Bàn Hồ sau khi lấy con gái của Bình Vương, được phong đất riêng xưng là Bàn Vương.
Bàn Vương có 12 người con và ban cho mỗi người một họ riêng, khởi thủy của 12 họ người Dao sau này: Bàn, Mãn, Trần, Đặng, Tống, Lương, Hoàng, Triệu, Lưu…
Bàn Vương được các tộc người Dao tôn làm thủy tổ và sau dịp tết, vào đầu tháng 2 âm lịch hằng năm được họ tổ chức lễ cúng rất trang trọng. Tùy nơi, tùy họ mà nghi thức cúng Bàn Vương khác nhau về quy mô, lễ tiết.
Có nơi người Dao cúng Bàn Vương theo từng hộ gia đình, mỗi nhà tự sắm mâm lễ gồm có rượu, thịt, xôi, bánh, nhang đèn và mời thầy cúng về làm lễ.
Có nơi lễ cúng Bàn Vương được tổ chức theo thôn bản với mâm lễ có cả đôi lợn trắng, hai chỉnh rượu to.
Cũng có nơi như thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) tổ chức hẳn lễ cúng Bàn Vương thành lễ hội truyền thống hằng năm với sự tham dự của lãnh đạo địa phương và du khách gần xa.
Từ truyền thuyết về thủy tổ Bàn Vương mà từ xa xưa tất cả các tộc người Dao ở Việt Nam đều có tục kiêng ăn thịt chó.
Ông Tẩn Sài Seo, 71 tuổi, ở thôn Sim San 1, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai), kể từ lúc nhỏ đã được người lớn truyền dặn không ăn thịt chó vì đó là vật thiêng.
Nhiều người Dao ở Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang mà chúng tôi tiếp xúc cũng xác nhận trong văn hóa truyền thống của họ, việc ăn thịt chó là điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, do quá trình tiếp biến văn hóa, tục kiêng thịt chó ở một số cộng đồng người Dao hiện đã được nới lỏng. Anh Tẩn Sài Sèo, 24 tuổi, ở thôn Sim San 1, cho hay tục kiêng thịt chó vẫn còn duy trì trong cộng đồng người Dao nơi đây.
Tuy nhiên, anh Sèo thừa nhận: “Mấy ngày tết tuyệt đối không ăn thịt chó. Bây giờ ngày thường thì dễ hơn rồi, có thể ăn nhưng không được ăn trong nhà, đem ra sân hay ngoài đồng thì được”.
Tục nhảy lửa của người Dao trong dịp Tết.
Nhảy lửa ngày tết
Về phong tục ngày tết, với người Dao ở các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… việc thờ cúng tổ tiên những ngày đầu năm mới là điều bắt buộc. Ngoài ra, tùy theo dòng họ mà người Dao ở một số nơi cũng có những quy ước riêng.
Ông Tẩn Phù Tìn – trưởng thôn Sim San 1, xã Y Tý (Lào Cai) – cho biết con cháu trong họ dù đi đâu xa cũng phải về đón tết.
Từ ngày 27, 28 tháng chạp nhà nhà đã chuẩn bị làm bánh dày, món bánh không thể thiếu trong mâm lễ. Mâm cúng chiều 30 tháng chạp bao giờ cũng phải có một con lợn, chỉ những nhà quá nghèo, cả năm không nuôi nổi con lợn thì phải bấm bụng cúng bằng gà.
Đặc biệt, một nghi lễ không thể thiếu trong ngày tết của người Dao là nhảy lửa. Người Dao ở Bát Xát (Lào Cai) có quy ước cứ nhà nào trong thôn có bàn thờ thì tổ chức nhảy lửa trong ba năm liên tục, sau đó nghỉ ba năm rồi lại nhảy tiếp.
Tùy từng nhà, có thể tổ chức nhảy lửa trong tối mùng 2 hoặc mùng 3 tết. Một đống lửa to được đốt giữa nhà, nam nữ ngồi riêng cách xa hai phía. Nam phải đủ 18 tuổi mới được tham gia nhảy lửa và ngồi thành hàng để thầy cúng bày lễ làm phép.
Khi bếp lửa đượm thành đống than hồng là lúc từng người với đôi chân trần lần lượt nhảy vào.
“Trước khi nhảy phải tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới, không được mặc đồ màu trắng. Không hiểu sao lúc đó mình như được thần linh tiếp sức, nhảy đạp trên than làm cho tàn lửa bắn tung tóe mà không thấy nóng là gì” – anh Tẩn Lào San, 31 tuổi, kể về cảm giác lúc nhảy lửa.
Chính từ sự huyền bí “không biết nóng là gì” mà nhảy lửa đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của người Dao ở Bắc Hà (Lào Cai) hay ở Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Một số nghệ nhân người Dao cho hay không biết lịch sử ra đời của tục nhảy lửa như thế nào, chỉ biết đã được truyền lại từ lâu lắm với ý nghĩa biểu dương sức mạnh, rèn luyện lòng dũng cảm mà các thế hệ người Dao cứ tiếp nối, giữ gìn.
Được biết, ngoài người Dao, ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, lễ nhảy lửa chỉ tìm thấy ở một dân tộc ít người khác là người Pà Thẻn ở Lâm Bình (Tuyên Quang) cũng với nghi thức tương tự…
Phụ nữ Dao ở thôn Sim San 1, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) may vá quần áo mới mặc Tết.
Cúng năm mới
Đêm giao thừa của người Dao, đàn ông, con trai không ở nhà mà phải tập trung ra đồi cao cúng lễ mừng năm mới.
Mâm lễ dâng cúng bao gồm 1 con lợn, 2 con gà, 1 con vịt, 1 quả trứng, 1 đĩa cơm nếp và 1 vò rượu. Một thầy cúng sẽ chủ trì, đọc bài khấn xua đuổi tà ma, cầu cho năm mới mùa màng tươi tốt, người người bình an.
Hoàng Bách (tổng hợp)