Lễ gội đầu
Gặp chúng tôi vào những ngày trước Tết Nguyên đán, nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Sửu, người dân tộc Thái ở Mường So, cho biết: “Không phải thích gội đầu là gội. Gội trong ngày 30 thì được, các ngày khác có thích cũng không được làm.
Hôm nay con cháu tập trung đông đủ ra suối mong tổ tiên phù hộ cho cả dân làng sang năm mới được khỏe mạnh. Trai tráng đi làm ăn xa kiếm được nhiều tiền, còn các cháu học sinh thì học hành giỏi giang. Ruộng đủ nước để cấy lúa, suối đầy tôm cá…
Lời khấn của dân tộc Thái khi làm lễ gội đầu (Theo ông Hoàng Ngọc Sửu)
Ngày khác tự ý gội đầu là vi phạm điều tối kỵ với tổ tiên.
Trong tập tục của người dân tộc Thái Trắng ở bản Vàng Pheo (Mường So), vào sáng 30 tết mỗi gia đình sẽ mổ một con lợn, tổ chức làm cơm liên hoan.
Các cô gái Thái phải gội đầu trong ngày 30 Tết.
Sau khi ăn cơm xong nghe tiếng trống làng, không phân biệt già trẻ, con trai con gái, con dâu con rể sẽ tập trung ở nhà văn hóa của bản để ra suối Nậm So.
Sau khi làm lễ xong ở nhà văn hóa, dân làng kéo ra suối chọn vũng nước sâu để tắm, gội. Trước khi gội có già làng đại diện cho từng bản thắp hương bên bờ suối, khẩn cầu riêng cho bản đó. Lễ khấn kéo dài 5 – 10 phút để báo cáo với ông bà tổ tiên năm cũ sắp qua và xin nhận lộc năm mới.
Ông Hoàng Ngọc Sửu bảo rằng tập tục gội đầu không biết có từ bao giờ, ngày ông lớn lên đã thấy rồi và được bảo tồn từ đời này qua đời khác.
“Trước đây và bây giờ không có thay đổi nhiều. Tôi còn nhỏ cũng theo bố mẹ đi gội đầu. Ai có áo mới phải mang đi để thay. Đây là tục lệ đậm đà bản sắc của dân tộc Thái Trắng” – ông Sửu nói.
Lễ gội đầu thường diễn ra lúc 10h sáng, trước khi đi phụ nữ thường mang theo chậu, nước gạo, bồ kết.
Người Thái Trắng quan niệm nếu không đi gội đầu sáng 30 tết thì năm mới sẽ không gặp may mắn, gia đình sống không hạnh phúc, làm ăn không phát tài và không xóa được những cái không tốt của năm cũ.
Trong năm đó làm nông nghiệp thì hoa trái mất mùa, thường xuyên bị lũ, hạn hán… Tuy nhiên đối với những người già yếu hoặc người ốm có thể làm lễ gội đầu ở nhà.
Bí quyết giữ mái tóc đẹp
Ông Lò Văn Đấu, cán bộ văn hóa xã Mường So, cho biết năm nay trước khi diễn ra lễ hội gội đầu, UBND xã Mường So sẽ có kế hoạch tuyên truyền đến 11 thôn để người dân và du khách biết trước các vị trí nơi tổ chức lễ hội kịp tham gia.
Ở sân bóng các bản trò chơi dân gian sẽ được tổ chức khoảng 10 ngày bắt đầu từ mùng 3 tết.
Ông Đấu chia sẻ: “Đa phần lễ gội đầu của nhân dân Mường So được tổ chức vào sáng 30 tết nhưng có năm thiếu tháng sẽ tổ chức ngày 29 tết…”.
Phụ nữ Thái Trắng hầu như ai cũng để tóc dài và rất suôn mượt, đen nhánh. Nơi người dân bản Vàng Pheo chọn làm lễ gội đầu hằng năm là con suối Nậm So giao nhau với Nậm Lùm chảy về sông Đà.
Phụ nữ Thái Trắng thường mặc váy trong lễ gội đầu. Sau khi đại diện cho bản khấn xong, những người tham dự sẽ lấy ngọn cây dại mọc ven đường nhúng qua nước suối rồi vẩy lên tóc.
“Nhúng nước suối vẩy lên tóc có nghĩa là xóa đi cái cũ không tốt. Năm mới chỉ mong công việc của em được suôn sẻ, gia đình khỏe mạnh. Mỗi khi đến lễ hội ai bận mấy cũng phải tham gia. Em vẫn dùng nước gạo gội đầu để mái tóc được suôn, đẹp” – chị Teo Thị Thủy, bản Vàng Pheo, nói.
Nước gạo để gội đầu được để dành từ buổi sáng cùng ngày sau khi vo gạo. Quả bồ kết được nướng kỹ, nồng mùi thơm được giã nhỏ pha với nước gạo để gội lên đầu.
“Tôi luôn dạy các con cách thức chuẩn bị cũng như bí quyết giữ được mái tóc thật đẹp. May mà chúng rất thích và năm nào cũng đòi người lớn cho đi theo ra suối để làm lễ – chị Mào Thị Miện nói.
“Trước khi làm lễ, các cụ dặn nếu mặc áo mới thì sang năm các cháu nhỏ học hành mới giỏi, không bị ốm đau bệnh tật” – chị cho biết thêm.
Chị Màng Thị Giang (23 tuổi) – thành viên đội văn nghệ bản Vàng Pheo – là người có mái tóc dài, đẹp nhất đội.
Chị Giang cho biết: “Để tóc đẹp thế này là mình học từ các bà, các cô cả đấy. Ngoài một số mẹo nhỏ ra thì vẫn là nước gạo. Hai ba năm nay mình vẫn dùng nước gạo để gội đầu. Nước gạo giúp tóc không có gàu mà còn đen nhánh, bóng mượt.
Cũng nhờ có mái tóc đen đẹp mà nhiều chàng trai đắm say trước nụ cười của con gái Thái Trắng. Tóc đẹp là thế mạnh của người phụ nữ, vậy nên bao đời nay lễ gội đầu vẫn được các thế hệ nối tiếp truyền cho nhau”.
Ngày tết ngoài du xuân như các dân tộc thiểu số khác, người Thái Trắng ở Mường So còn tổ chức một số trò chơi truyền thống như: tung còn, đánh đu, kéo co, bịt mắt bắt vịt…
Đến nay một số dòng họ của người Thái Trắng vẫn còn kiêng không được quét nhà ở khu vực cạnh gian bàn thờ. Hay khi nhà chồng làm lễ cúng, người con dâu không được đi qua bàn thờ…
Gội đầu trước khi bay về trời
Tương truyền từ xa xưa ở đất Than Uyên (Lai Châu ngày nay) có một gia đình sinh được một cô gái vô cùng xinh đẹp. Ở độ trăng tròn cô vẫn giúp gia đình lo chuyện cày cấy.
Bất ngờ đúng vào thời gian này giặc phương Bắc vào cướp bóc, đánh phá nhà cửa của đồng bào người Thái Trắng. Vậy là cô gái xin bố giả trai đi đánh giặc nhưng người bố nhất quyết không đồng ý.
Đất nước lâm nguy, dù bố mẹ không cho tòng quân nhưng cô đã quyết định giả trai thành vị tướng xuất quân. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã đánh tan quân giặc, đuổi chúng ra khỏi biên cương.
Sau đó, cô gái – nữ tướng đến mó nước nay thuộc xã Mường So để tắm rửa, gội đầu rồi bay về trời. Năm 1954 đền thờ vị nữ tướng này mới được người dân Mường So phục dựng và hằng năm tổ chức lễ hội Nàng Han (15-2 âm lịch) để tưởng nhớ đến vị nữ tướng này.
Hoàng Bách (tổng hợp)