Lá tre ít tác dụng hơn cỏ nhọ nồi
Theo đó, các thông tin trên mạng cho rằng để chữa sốt xuất huyết có thể dùng lá tre hoặc cỏ nhọ nồi sẽ nhanh khỏi bệnh. Đối với lá tre, cách dùng được chia sẻ như lấy hai ba nắm lá tre, cho vào nước nấu cùng nước cho đến khi sôi khoảng 30 phút thì chắt lấy nước, cho vào chai uống 3-4 lần trong ngày. Và uống liên tiếp 5-7 ngày, kể cả khỏi cũng uống đủ liều trên.
Với cỏ nhọ nồi, được truyền thông tin nhiều hơn với cách làm như: Khi đang sốt cao, lấy cỏ nhọ nồi giã nát, hòa ra cho uống sẽ thấy hiệu quả nhanh hơn loại thuốc nào. Nếu không có cỏ nhọ nồi tươi có thể dùng cỏ nhọ nồi đã được phơi khô…
Trao đổi cùng TS.BS Vũ Minh Hoàn, trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội, vị chuyên gia cho hay lá tre và cỏ nhọ nồi là một trong các vị thuốc được kết hợp cùng các vị khác để tạo thành bài thuốc chữa sốt xuất huyết từ tài liệu tuyên truyền của Bộ Y tế. Trong Đông y, sốt là do nhiệt tà xâm nhập, muốn chữa cần thanh nhiệt. Lá tre và cỏ nhọ nồi đều là hai vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt trên nên phần nào có tác dụng chữa bệnh.
“Cả lá tre và cỏ nhọ nồi đều có tác dụng thanh nhiệt, nhưng cỏ nhọ nồi nhiều tác dụng hơn do còn có tác dụng trị huyết, tức cầm máu”, TS.BS Vũ Minh Hoàn cho hay.
Đồng quan điểm, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hằng, cũng trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội nhấn mạnh, cỏ nhọ nồi có hiệu quả trong chữa sốt xuất huyết và được ứng dụng nhiều. Do cây này có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu. Khi có hiện tượng xuất huyết, tức chảy máu uống nước cỏ nhọ nồi sẽ giúp giảm nguy hiểm đến tính trạng.
Để an toàn, dù dùng cỏ nhọ nồi hay lá tre để thanh nhiệt, cầm máu… khi bị sốt xuất huyết vẫn nên được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Bởi mỗi người có một thể trạng khác nhau. Tránh tình trạng tự áp dụng các vị thuốc, nhất là vị thuốc trên mạng mà không rõ về bệnh dẫn đến các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe – TS.BS Vũ Minh Hoàn.
Dùng đúng nhọ nồi tươi và khô đúng cách
Ở góc độ cách sử dụng sao cho hiệu quả, các chuyên gia về y học cổ truyền cho hay, khi dùng cỏ nhọ nồi cần chú ý đến cách chế biến mới có hiệu quả cao. Như, cỏ nhọ nồi khô chỉ sắc uống, còn nhọ nồi tươi chỉ giã lọc lấy nước cốt uống. Không dùng cỏ nhọ nồi để nấu canh ăn như nhiều người đang làm. Bởi cách này không những làm mất tác dụng của vị thuốc mà khả năng thanh nhiệt sẽ giảm. Phần bã của cây tươi có thể đắp lên trán hoặc cơ thể nhằm làm mát…
Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng, cỏ nhọ nồi tươi có tác dụng thanh nhiệt còn khi xuất huyết lại dùng cỏ nhọ nồi khô đun lên lấy nước uống để cầm máu. Hai tác dụng này của cỏ nhọ nồi tương đối khác nhau, vì thế dùng đúng cách, đúng lúc là rất cần thiết.
Đặc biệt, TS.BS Vũ Minh Hoàn cũng nhấn mạnh, là cây cỏ nhưng đây là vị thuốc nên muốn sử dụng hiệu quả tốt nhất kết hợp cùng các vị thuốc thành bài thuốc. Ngoài ra, do thanh nhiệt nên chỉ dùng với tác dụng thanh nhiệt khi sốt, nếu hết sốt cần giảm liều hoặc dừng uống. Bởi, nếu lạm dụng thanh nhiệt có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng cơ thể, tăng hàn từ đó gây ra ỉa chảy.
Hiền Dung