Biện pháp loại trừ muỗi đơn giản chống sốt xuất huyết

Lo ngại dịch sốt xuất huyết, nhiều gia đình đã chủ động lên phương án phòng chống muỗi từ hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn để lọt các “ổ” muỗi khi vệ sinh nhà cửa.

Lọ hoa cũng thành “ổ”

Nhiều người cho rằng, các khu vực thiếu ánh sáng trong hộ gia đình như góc tủ, gầm giường, những nơi có bụi cây, cống rãnh là nơi trú ngụ của muỗi, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ những khu vực này là sẽ loại trừ được muỗi. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Theo GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng côn trùng học, trong gia đình có rất nhiều chỗ có thể trở thành “ổ” muỗi mà nhiều người không để ý. Những nơi muỗi trú ngụ thường là nơi tối, ít ánh sáng như góc tủ, gầm cầu thang, giá treo quần áo, gầm giường, bụi cây, cống rãnh…

Ngoài ra, một nơi nữa mà mọi người thường bỏ qua là những chỗ/dụng cụ có chứa nước. Đây sẽ là nơi mà bọ gậy, cung quăng (giai đoạn trước trưởng thành của muỗi) sinh sống và phát triển. Các nơi chứa nước có thể là thùng nước thừa quên không đổ đi (ví dụ như chậu hứng nước từ điều hòa chảy ra), những nơi đọng nước, khe cẽ chứa nước, bụi cây, cây cảnh, thậm chí là lọ cắm hoa quên không đổ nước.

Rất nhiều người cắm hoa (kể cả là lọ hoa trên bàn thờ), nhưng nước trong lọ không được quan tâm rửa sạch, đây chính là môi trường lý tưởng để bọ gậy, cung quăng sinh sống và phát triển.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bien-phap-don-gian-chong-sot-xuat-huyet1.jpg

Ảnh minh họa.

Một quan điểm sai lầm nữa khi nhiều người cho rằng, chỉ có nhà mặt đất mới là nơi phát sinh ra muỗi và phải chú ý phòng diệt muỗi, còn chung cư, tòa nhà cao tầng thì không. Thực tế, muỗi có mặt cả ở chung cư, tòa nhà cao tầng. Sự phát tán của muỗi trong chung cư, tòa nhà cao tầng bắt nguồn từ môi trường dưới mặt đất quanh chung cư.

Có rất nhiều lý do để muỗi có thể “leo” lên các tầng trên thậm chí cả sân thượng như muỗi chủ động bay vào thang máy theo người, rồi tiện đâu bay ra chỗ thích hợp để sinh sản, phát triển; muỗi chủ động bay dần theo cầu thang đi bộ từ thấp lên cao; muỗi phát tán bị động theo các cơn gió thổi vào nhà.

Hoạt động gìn giữ môi trường sạch phải đồng bộ và chặt chẽ trong cả cộng đồng. Bên cạnh vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, người dân cùng phải chung tay dọn dẹp môi trường sống bên ngoài cộng đồng. Có như thế mới diệt trừ muỗi hiệu quả.

GS Bùi Công Hiển

Khảo sát, lau, dọn, rửa

Theo GS.TS Bùi Công Hiển, để phát hiện muỗi, biện pháp đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất là dùng vợt diệt muỗi đi kiểm tra trong, ngoài nhà để xác định những vị trí muỗi hay ẩn nấp, cũng như kiểm tra các chỗ/dụng cụ chứa nước, nơi bọ gậy, cung quăng làm “ổ”. Sau khi khảo sát xác định thì làm vệ sinh cơ học (lau, dọn, rửa sạch sẽ).

Để phòng tránh muỗi đơn lẻ cho hộ gia đình, có thể làm khung mắt lưới với cỡ mắt lưới 1 – 2 x 1 – 2mm để ngăn cản muỗi từ ngoài bay vào nhà. Khi trong nhà xuất hiện muỗi nên sử dụng vợt bắt muỗi, bẫy cơ học, tránh “vác súng hóa chất diệt côn trùng” ra bắn hù dọa như quảng cáo “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”.

Còn ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Vệ sinh Nhà sạch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tiêu chí để tránh muỗi trong gia đình là nhà sạch, ít đồ và nhiều ánh sáng. Đầu tiên, hãy bắt đầu vệ sinh những khu vực tối, ít ánh sáng và thường chứa nhiều đồ trong nhà như gầm cầu thang, gầm giường, tủ chứa đồ, để đảm bảo, chúng gọn gàng, sạch sẽ, khô thoáng, những đồ dùng nào không dùng đến nên thanh lý, vứt bỏ thay vì lưu giữ lại.

Nhiều người có thói quen đồ gì không dùng đến liền tống vào những khu vực tối, khuất là rất sai lầm. Cách này vô hình trung sẽ tạo thành môi trường lý tưởng để muỗi trú ngụ. Việc vệ sinh này phải diễn ra thường xuyên, liên tục chứ không phải chờ đến khi nhà có muỗi mới thực hiện.

Bước tiếp theo hãy xử lý những nơi chứa nước trong gia đình, từ bụi cây ngoài vườn, đến mấy khóm cây trồng trên ban công, từ các chậu nước thừa đến những khe kẽ đọng nước để loại trừ những chỗ bọ gậy sinh sống. Lọ hoa, khu vực để cây cảnh cũng cần được chú ý vệ sinh…

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top