Cảnh báo nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết vào mùa mưa

Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, số trẻ em phải nhập viện do mắc bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, không chỉ ở nông thôn mà còn diễn biến phức tạp ở các thành phố.

Theo Trung tâm y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, tính đến ngày 31/5, thành phố ghi nhận 222 ca sốt xuất huyết; bệnh có dấu hiệu tăng trong hai tháng gần đây. Công tác phòng, chống dịch, bệnh đang được ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh, nhất là trong những tháng cao điểm sắp tới.

Điều đáng lo ngại, hiện đang bước vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển, nguy cơ lây lan bệnh rất cao. Hơn nữa, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và nếu phát hiện trễ có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Trường hợp bệnh nhi Trần Gia Bảo, 12 tuổi, quê ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bị sốt cao liên tục, trong 2 ngày gia đình mua thuốc uống tại nhà nhưng bé vẫn không hết sốt. Đến ngày thứ 3, người nhà mới đưa cháu đi khám, xét nghiệm, kết quả nghi bị sốt phát ban và cho thuốc về nhà uống nhưng tình trạng bé vẫn không thuyên giảm. Đến ngày thứ 5, bé được đến bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ để xét nghiệm lại. Các bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết và yêu cầu nhập viện để theo dõi.

Bác sĩ kiểm tra, theo dõi huyết áp cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Ảnh: VOV.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Cần Thơ, cho biết trước dự báo gia tăng sốt xuất huyết trong mùa mưa, thành phố đã tiến hành các biện pháp phòng chống dịch một cách tích cực. Đặc biệt, về công tác giám sát ca bệnh được theo dõi hằng ngày, để kịp thời phát hiện và xử lý ngay ổ dịch không để lây lan trên diện rộng.

“Trước mắt, tình hình sốt xuất huyết tăng từ tháng 4 cho đến nay, hiện tại đang vào cao điểm của mùa mưa. Từ nay cho tới tháng 10, 11 sẽ là tháng cao điểm của sốt xuất huyết. Sắp tới, về công tác giám sát chúng tôi theo dõi chặt chẽ các ca bệnh từng ngày. Hàng tháng, các Trung tâm y tế quận, huyện đều phải dự báo dịch bệnh ở từng xã phường và gửi về cho Trung tâm y tế Dự Phòng thành phố để theo dõi. Đối với những địa bàn trọng điểm thì lãnh đạo Trung tâm dự phòng, lãnh đạo Sở y tế sẽ xuống trực tiếp để giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ để khống chế dịch”, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho hay.

Theo dự báo của Ngành y tế, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp do hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa nên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Do đó, người dân không được chủ quan cần tích cực tham gia diệt muỗi, loăng quăng, làm vệ sinh xung quanh môi trường sống sạch sẽ, góp phần trong việc đẩy lùi dịch, bệnh sốt xuất huyết hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Ngay giữa trung tâm TP Cần Thơ. Chỉ sau vài cơn mưa, những vị khách không mời là loăng quăng đã xuất hiện ở những vật dụng phế thải. Từ đây muỗi sinh sôi ngày càng nhiều. Cả người lớn, trẻ nhỏ đã trở thành nạn nhân.

Những năm trước, sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát ở những vùng nông thôn, nhưng nay tại các khu vực thuộc trung tâm TP Cần Thơ, chỉ trong thời gian ngắn, đã có gần 200 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, quận Ninh Kiều có gần 50 người, đưa khu vực này đứng đầu danh sách những nơi mắc sốt xuất huyết nhiều tại Cần Thơ.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, số ca nhập viện tại Khoa sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ từ 10 – 15 tuổi. Nhiều trường hợp do gia đình chủ quan nên khi trẻ được đưa vào bệnh viện đã trong giai đoạn muộn, xuất hiện biến chứng.

Lường trước nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng nên ngay từ đầu mùa mưa, ngành y tế TP Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp như phát tờ rơi, tuyên truyền vận động từng hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường để phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, sốt xuất huyết vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.

Phụ huynh không nên chủ quan

Theo Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên chủ quan với căn bệnh này, đặc biệt đang ở thời điểm mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết dễ bùng phát mạnh và lây lan nhanh. Đặc biệt, trong sốt xuất huyết nếu trẻ có những dấu hiệu lạ, bất thường phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Người dân chủ động làm vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ môi trường xung quanh, nhằm góp phần đẩy lùi dịch, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

“Đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu trường hợp các cháu sốt từ 2 ngày trở lên, ngoài da xung huyết; đỏ rực như tôm luộc thì nên đưa các cháu nhập viện để khám và nhập viện. Nếu bị sốt xuất huyết thì nên nhập viện điều trị sớm ngay từ đầu sẽ có kết quả tốt hơn’, bác sĩ Việt cho biết.

Trước nguy cơ cao lây lan bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng để chủ động ứng phó khi có có ca bệnh phức tạp xảy ra; đồng thời đã cử cán bộ đi tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, do Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo V.H (t/h)/Thoidai.com.vn

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top