Hỏi: Dầu diezen sinh học khác với dầu mỏ thế nào, được làm từ các loài thực vật nào?
Bùi Ngọc Hà (Hà Nội)
PGS.TS Trần Minh Hợi, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật: Diezen sinh học là một loại nhiên liệu có tính chất giống với dầu diezen nhưng không phải được sản xuất từ dầu mỏ mà từ dầu thực vật hay mỡ động vật. Chúng không độc và dễ phân giải trong tự nhiên. Diezen sinh học có thể thay thế hoàn toàn dầu diezen trong các động cơ đốt trong (B100) hoặc pha với diezen dầu mỏ ở 1 tỉ lệ nhất định. Biodiezen chứa một lượng cực nhỏ lưu huỳnh, 11% oxy, nên cháy sạch hơn, phân huỷ sinh học nhanh, ít gây ô nhiễm nguồn nước và đất. So với việc sử dụng xăng dầu thì làm giảm được 70% khí CO2 và gần 30% khí độc hại.
Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã bước đầu nghiên cứu quy trình ester hóa dầu béo thành diezen sinh học để định hướng khai thác có hiệu quả nguồn dầu hạt của các loài gồm sở, lai và trôm. Cây lai được lựa chọn là cây gỗ lâu năm, mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi, trung du miền Bắc nước ta, dễ phát triển. Tỉ lệ dầu trong hạt 68,93%, thành phần chủ yếu trong dầu là: axit palmitic, oleic, linoleic và linolenic.
Quy trình chế biến dầu khá đơn giản. Hạt lai đem xay nhỏ trong máy xay rồi chiết với dung môi hữu cơ. Ở đây, các nhà khoa học tiến hành chiết 5kg hạt lai bằng dung môi trong 6 giờ theo phương pháp tiêu chuẩn. Dịch chiết thu được đem cất loại dung môi trên máy quay cất chân không thì quả thu được 3000g dầu lai. Sau đó, lấy 10mg dầu lai đem metyl hóa để phân tích thành phần và hàm lượng axit béo có mặt trong dầu đem đi sử dụng.
Việc tìm ra các vật liệu tự nhiên, sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch đã được nhiều nước thực hiện thành công, song để sử dụng trong đời sống thì cần đến một khối lượng rất lớn mà ở quy mô phòng thí nghiệm không đáp ứng được. Do đó, đây vẫn là một thách thức.