Cúc mốc là cây có thân cứng, ngắn, phân chia nhánh sát gốc, phủ lông trắng dày đặc. Lá mọc sát nhau làm thành bụi dày, lá ở gốc chia ba thùy, lá ở đỉnh nguyên phủ lông mịn cả hai mặt, màu trắng như tuyết ở cả hai mặt. Cụm hoa hình bông dày đặc ở nách lá. Lá bắc nhiều hàng.
Hoa cái ở xung quanh, hoa lưỡng tính ở giữa, có nhiều vảy hình tam giác có phần dưới dính liền với nhau; tràng hoa cái có 2-3 răng, tràng hoa lưỡng tính có 5 thuỳ; nhị 5; bầu hình trứng ngược, nhẵn. Quả bế hình trứng ngược, hơi cong. Cây ra hoa vào mùa xuân (tháng 12-2), có quả tháng 2-3.
Lá cúc mốc thường được dùng làm thuốc, có vị cay thơm, tính mát, không độc. Công dụng: Trị can hoả, dưỡng phế khí, làm tan màng mây, làm sáng mắt, trừ uế khí.
Lá được nhân dân dùng chữa cảm mạo, nhức đầu, ho, ăn uống không tiêu, đau bụng, có khi dùng chữa kinh nguyệt không đều...Mỗi ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc hãm hay thuốc sắc.
Chữa ho: Lá cúc mốc 15g, lá húng chanh 20g, sắc uống ngày một thang trong 5 ngày.
Ho ra máu: Lá cúc mốc 15g, cỏ nhọ nồi 5g, lá huyết dụ 8g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần. Uống trong 7-10 ngày liên tiếp.
Điều kinh: Lá cúc mốc 20g, lá ích mẫu 15g, ngải cứu 10g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, mỗi lần 60 ml.
Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Việt Nam)