Sống thọ ở làng hoa cúc

(khoahocdoisong.vn) - Trải qua hàng trăm năm làm nghề dược liệu, giờ đây làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên nức tiếng cả nước với nghề trồng hoa cúc.

Hoa cúc là một trong những dược liệu bổ ngũ tạng, làm đẹp dung nhan, dùng lâu sống khoẻ trường thọ. Dân quanh vùng thường bảo, người làng Nghĩa Trai, 60 tuổi tóc vẫn còn xanh, quanh năm ngửi mùi dược liệu thôi cũng sống thọ...

Mùa vàng trải rộng chân mây

Về Nghĩa Trai vào mùa thu hoạch cúc, người ta thấy một màu vàng rực trải dài tận chân mây. Những cánh đồng hoa cúc rộng mênh mông, thơm ngát bao phủ quanh làng. Đi sâu vào trong làng, ai cũng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, thông mũi, sảng khoái, nhẹ đầu, thư giãn như đang được xông thuốc Bắc vậy. Trên sân nhà, ngoài ngõ hay quanh đình, đâu đâu cũng rải bạt phơi hoa cúc và các loại thảo dược thơm ngát. Cứ đến khoảng tháng 11 âm, tháng 12 dương, cả làng Nghĩa Trai lại rộn ràng mùa thu hoạch cúc. Trên những cánh đồng vàng óng rực rỡ dưới nắng đông, các chị em phụ nữ, các bác nông dân vừa hái cúc vừa hát véo von, cười nói râm ran cả một khoảng trời...

Bác Nguyễn Thế Viễn, lương y gia truyền nhiều đời chế biến thảo dược ở Nghĩa Trai cho biết, do diện tích ruộng khá lớn, việc thu hoạch lại mất thời gian nên hầu hết gia đình nào cũng phải thuê người phụ giúp thu hoạch cúc. Hoa cúc chi là thảo dược chủ đạo được trồng ở đây từ hàng trăm năm bên cạnh nhiều loại cây thuốc khác. Do hiệu quả kinh tế cao mà cúc chi được trồng nhiều. Và nói đến Nghĩa Trai là nói đến vựa thảo dược hoa cúc.

Theo bác Viễn, việc thu hái hoa cúc rất nhẹ nhàng nhưng cũng không đơn giản. Để có dược liệu chất lượng cao, cúc chi phải được thu hoạch khẩn trương để đảm bảo chất lượng. Trung bình một người mỗi ngày hái được khoảng 15 - 30kg hoa tươi. Hái chừng ấy cân hoa với hàng nghìn bông nên nhựa cây làm những bàn tay của người nông dân Nghĩa Trai nhám đen. Ai lười đeo găng, chỉ vài hôm nhựa hoa ăn hết vào da tay, phải đi chữa da liễu. Đến mùa thu hoạch, bất kể nắng nóng cũng phải bịt mặt đội nón đeo găng ra đồng. Hoa hái được dồn vào các bao tải vận chuyển đến các lò sấy.

Một luống hoa cúc chi dầy đặc bông thế nhưng chỉ khoảng 3 người hái trong 2 ngày là phải hết. Cả thôn nhà nào cũng trồng cúc chi, không ít thì nhiều nên mùa thu hoạch thường đổi công cho nhau. Vườn nhà ai thu hoạch trước thì mọi người cùng nhau giúp, sau đó cứ lần lượt đổi công cho nhau. Vào vụ hoa, bất kể khoảnh sân nào trong làng cũng ngập tràn hoa cúc như được trải thảm vàng vậy. Những năm gần đây, rất nhiều bạn trẻ, du khách đã tìm về Văn Lâm để ngắm nhìn những vườn cúc chi bát ngát, tận hưởng mùi thơm dịu nhẹ của hoa và tìm hiểu về công đoạn thu hoạch hoa, chế biến dược liệu. Giờ Nghĩa Trai cũng trở thành một địa chỉ du lịch.

Sống thọ ở làng hoa cúc ảnh 1

Nghề trồng thuốc ở đây đã có lịch sử hàng trăm năm. Nghĩa Trai hiện có hơn trăm thầy thuốc tại làng và ở nhiều nơi trong cả nước. Nhiều gia đình trong làng liên tiếp 4-5 đời làm thầy thuốc. Nếu ra phố Lãn Ông, phố Hàng Vải (Hà Nội) cứ thấy cửa hiệu nào có chữ "Nghĩa" đứng đầu thì đó là hiệu thuốc của người làng Nghĩa Trai.

Sống vui sống khoẻ nhờ cúc

Gặp bác Tô Thị Oanh vừa thu hoạch cúc, vừa hát véo von ngoài đồng. Bác Oanh kể, xưa làng Nghĩa Trai trồng rất nhiều loại thảo dược. Cúc chi chỉ được trồng số lượng ít, có bao nhiêu “tiến vua” bấy nhiêu, người dân thường không có mà dùng. Ngày nay, hoa cúc chi hợp đất Văn Lâm, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhà nào cũng trồng số lượng lớn. Nghĩa Trai giờ thành vựa sản xuất cúc chi thảo dược cung cấp cho thị trường cả nước và xuất khẩu dùng làm thuốc, mỹ phẩm, trà chữa bệnh...

 Trong làng những gia đình trồng số lượng lớn phải trang bị hệ thống máy sấy mà vẫn phải đi thuê thêm lò sấy mới kịp thu hoạch và chất lượng cho hoa thành phẩm. Mùa hoa cúc lò sấy hoạt động liên tục 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Hoa sấy khô được dùng làm trà hoặc đem hấp sấy để bán cho các tiệm thuốc Bắc. Giá bán hoa sấy sạch tại thôn Nghĩa Trai khoảng 300.000 – 400.000đ/kg. Chỉ cần mua 1kg hoa cúc khô là dùng được cả năm. Một gia đình trồng 3 sào hoa, từ tháng 6 - 12, mỗi năm cũng cho thu hoạch ngót trăm triệu đồng. Đời sống kinh tế khấm khá, hơn nữa lại được cái lợi về sức khoẻ nên bà con cũng phấn khởi, vui tươi.

Theo kinh nghiệm của dân trong làng, hoa cúc chi có chất lượng tốt nhất khi vừa nở, không còn nụ và cũng chưa kịp tàn. Mỗi dịp thu hoạch chia làm hai đợt cách nhau khoảng một tháng. Ước tính, mỗi sào hoa cúc có thể thu được khoảng 450kg hoa tươi, sau khi sấy khô còn khoảng 70kg.  Cánh hoa cúc vốn mỏng manh, dễ giập nát vì sương gió và thời gian nở không dài, bởi vậy khi hoa chớm nở phải tập trung vào thu hoạch. Công việc không quá vất vả và cũng thật nên thơ khi cả làng thi nhau hái hoa. Mùa thu hoạch, ngón tay thơm mùi hoa cúc, mái tóc cũng vương mùi hoa cúc... Dân quanh vùng thường bảo, người làng Nghĩa Trai, chỉ hít mùi hoa cúc thôi cũng thọ. Không biết có phải vì thế mà bác Tô Thị Oanh và nhiều nông dân trong làng, 60 tuổi tóc vẫn còn xanh.

Dân làng Nghĩa Trai ai cũng khoẻ mạnh, rắn rỏi, da dẻ hồng hào. Ai cũng biết cách chăm lo sức khoẻ bằng thuốc Đông y nên da đẹp, tóc xanh, mắt sáng...

Dân làng Nghĩa Trai ai cũng khoẻ mạnh, rắn rỏi, da dẻ hồng hào. Ai cũng biết cách chăm lo sức khoẻ bằng thuốc Đông y nên da đẹp, tóc xanh, mắt sáng...

Những bài thuốc bí truyền kéo dài tuổi thọ

Nhẹ nhàng đếm 9 bông cúc, hãm vào cốc nước sôi mời du khách “thưởng trà”, Lương y Nguyễn Thế Viễn kể: Không phải tự nhiên mà người ta đùa rằng Nghĩa Trai là làng trường thọ. So với nhiều làng khác trong xã, Nghĩa Trai có điều kiện phát triển kinh tế hơn. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể ghi nhớ tác dụng của các loại cây thuốc. Dân làng Nghĩa Trai ai cũng khoẻ mạnh, rắn rỏi, da dẻ hồng hào. Ai cũng biết cách chăm lo sức khoẻ bằng thuốc Đông y nên da đẹp, tóc xanh, mắt sáng...

Nhấp một ngụm trà hoa cúc, bác Viễn tiếp lời, ở Nghĩa Trai hoa cúc chi được xem là một vị thuốc quý. Cúc Nghĩa Trai năng suất cao, bông căng tròn, đều như cúc áo, hương vị thơm ngon đặc biệt. Người dân trong làng đi làm ăn ở nhiều nơi đã mang giống cúc đi trồng nhưng đều không được như ở Nghĩa Trai. Con gái làng, lấy chồng nơi khác, đem giống và kỹ thuật gia truyền cây cúc đến đó để trồng, nhưng cũng kém năng suất, không thơm ngon. Vì vậy, cúc chi trồng ở làng Nghĩa Trai thời xưa chỉ chuyên để “tiến vua”. Ngày nay, dân làng mở rộng diện tích trồng, nâng cao kỹ thuật chăm bón nên có năng suất cao. Và giá 1kg hoa cúc Nghĩa Trai cũng được giá hơn các nơi khác.

Lương y Nguyễn Thế Viễn cũng cho biết, vì đặc sản của Nghĩa Trai là hoa cúc nên mọi người dân trong làng đều nắm rõ tác dụng chăm sóc sức khoẻ của hoa cúc. Hoa có vị đắng, hơi ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể sử dụng để chữa các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, cao huyết áp... Từ Hy Thái hậu xưa đặc biệt yêu thích dùng cao Cúc hoa để được trường sinh bất lão.

Theo y sách cổ thì cách chế biến cao cúc khá phức tạp. Ngày nay, cuộc sống bận rộn, có thể chế đơn giản bằng cách:  dùng hoa cúc tươi (mỗi lần có thể nấu chừng 2kg; nếu là hoa cúc khô thì có thể nấu mỗi lần chừng 500g là vừa) cho vào xoong, đổ ngập nước, đun nhỏ lửa còn 1/2, lọc bỏ bã, lấy nước cô lại cho đặc. Trộn với mật ong để nấu thành cao. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần dùng 12 - 15g pha với nước sôi để nguội, uống lúc đói bụng. Có thể gia thêm mật ong trắng cô lại thành cao thì càng tốt. Cao hoa cúc giúp thanh nhiệt, giải độc, bổ trung ích khí khiến cơ thể nhẹ nhàng mà không có cảm giác đói, trẻ lâu, kéo dài tuổi thọ. Dùng thường xuyên có thể làm da dẻ hồng hào tươi mịn, tóc xanh... Hay đơn giản nhất là dùng trà hoa cúc hàng ngày cũng đã mang lại nhiều ích lợi trong phòng ngừa và bảo vệ sức khoẻ.

Theo Bách khoa toàn thư về thảo dược nước Anh, hoa cúc là loại dược thảo có tác dụng giải độc tốt nhất cho hệ thống tuần hoàn và hệ thống hô hấp. Hoa cúc rất thông dụng ở các dân tộc Bắc Mỹ và châu Âu. Các nhà khoa học cho biết, các hoạt chất của hoa cúc vừa có tính kháng viêm giống như cortisone vừa có tác dụng kháng khuẩn, gia tăng sức đề kháng chống lại những tác động có hại của vi trùng, vi khuẩn.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top