Còn trẻ... đã biến chứng đái tháo đường nặng
Mới đây, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân đái tháo đường nhập viện trong tình trạng viêm tụy cấp do rượu.
Bệnh nhân N.C.H, 37 tuổi, tại Hà Nội nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau nhiều vùng thượng vị, đau lan ra sau lưng.
Ảnh minh hoạ |
Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân đã mắc đái tháo đường type 2 được 5 năm, rối loạn mỡ máu, tăng men gan đã từng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương tháng 2/2024, sau khi tái khám lại vào tháng 5/2024, đến nay bệnh nhân không tái khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào mà tự mua thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị.
Bệnh nhân thường xuyên sử dụng 500-1000ml rượu/ngày trong nhiều năm. Cách nhập viện 1 ngày bệnh nhân có liên hoan và sử dụng rượu.
Sau khi được các bác sĩ trực tiếp khám lâm sàng nhận định tình trạng bệnh, bệnh nhân H, được chỉ định xét nghiệm đánh giá công thức máu, chức năng gan, thận, men tụy, đường máu, mỡ máu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm tụy cấp do rượu, đường huyết cao, tăng men gan.
Rượu, bia là những loại đồ uống có chứa cồn ethanol với nồng độ khác nhau nên khi uống quá nhiều sẽ gây độc cho cơ thể. Đặc biệt tại gan, 90 – 95% rượu được chuyển hóa để xử lý đào thải (còn lại rượu sẽ bài tiết qua thận, da, phổi), vì vậy đây là cơ quan chịu tác động lớn nhất những hậu quả do rượu gây ra như men gan tăng cao, viêm gan nhiễm độc, xơ gan, thậm chí ung thư gan nếu bệnh tiến triển.
Rượu cũng làm ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác, từ miệng, thực quản, dạ dày,… nồng độ cồn cao gây kích ứng niêm mạc, viêm loét, chảy máu dạ dày, tăng nguy cơ ung thư tiêu hóa.
ThS.BS Bùi Mạnh Tiến cho cho biết: “Trên nền bệnh nhân mắc đái tháo đường, không tuân thủ điều trị thì việc sử dụng rượu, bia lại càng nghiêm trọng. Việc tăng đường huyết cấp hoặc hạ đường huyết rất dễ xảy ra dẫn đến các biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường”.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết, biến chứng đái tháo đường phần lớn do lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài không kiểm soát gây tổn thương mạch máu nhỏ, mạch máu lớn. Khi hệ thống mạch máu bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh, mắt, thận, tim, hoại tử chi,… Biến chứng của đái tháo đường gồm:
Biến chứng cấp tính của đái tháo đường:
Nhiễm toan ceton do tăng đường huyết trong thời gian dài không kiểm soát, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa. Đường trong máu cao tăng áp lực thẩm thấu niệu với mất nhiều nước và điện giải. Biểu hiện: nôn, buồn nôn, đau bụng, hôn mê thậm chí tử vong.
Tăng áp lực thẩm thấu máu khi đường máu không kiểm soát tốt, gây ra lợi niệu thẩm thấu. Nếu không được điều trị, trạng thái tăng nồng độ đường huyết do đái tháo đường có thể dẫn đến mất nước và hôn mê đe dọa tính mạng.
Biến chứng mạn tính của đái tháo đường:
Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường. Để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường, người bệnh phải kiểm tra võng mạc thường xuyên hàng năm. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị thành công cao, ngăn ngừa mất thị lực.
Bệnh thận đái tháo đường là nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh thường không có triệu chứng cho tới khi hội chứng thận hư hoặc suy thận mạn.
Bệnh thần kinh đái tháo đường là hậu quả của thiếu máu thần kinh do bệnh vi mạch, ảnh hưởng trực tiếp của đường huyết lên tế bào thần kinh và những thay đổi trao đổi chất nội bào làm giảm chức năng thần kinh. Triệu chứng bệnh bao gồm: tê, bì, ngứa, mất cảm giác bàn chân/tay,…
Xơ vữa động mạch của các mạch lớn có thể dẫn tới: đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi,…
Biến chứng bàn chân đái tháo đường là tình trạng nhiễm trùng, loét, hoại tử vùng bàn chân. Nguyên nhân do bệnh mạch máu, thần kinh và suy giảm miễn dịch.
Nếu có quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt và sống một lối sống lành mạnh, tích cực, người bệnh có thể tránh được nguy cơ bị biến chứng trong thời gian dài.
Ngược lại, nếu đường máu không được kiểm soát tốt, có lối sống kém lành mạnh hoặc mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, các biến chứng đái tháo đường có nhiều khả năng phát triển sớm hơn và diễn tiến nhanh chóng nặng nề hơn, gây tàn phế và giảm chất lượng cuộc sống.
Khuyến cáo người bệnh: Hãy tuân thủ y lệnh của bác sỹ, thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để kiểm soát tốt đường máu.