Những lầm tưởng về thực phẩm với người bệnh đái tháo đường

Các quan niệm về thực phẩm này tốt, thực phẩm kia không tốt cho người đái tháo đường ngày càng được truyền miệng, phổ biến... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Việc cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ, hợp lý sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế các biến chứng và giúp người bệnh đái tháo đường ổn định chỉ số đường huyết ở mức an toàn.

Trước kia quan niệm kiêng khem quá độ dẫn tới tình trạng suy kiệt, thiếu hụt về dinh dưỡng và kèm theo đó là rối loạn đường huyết và trầm trọng các biến chứng.

Hiện nay, các quan niệm về thực phẩm này thì tốt, thực phẩm này là không tốt cho người đái tháo đường ngày càng được truyền miệng, phổ biến cũng gây ảnh hưởng không ít. Vậy đâu là sự thật, đâu là điểm chưa đúng?

Sự thật và nhầm tưởng về thực phẩm với người bệnh đái tháo đường - Ảnh minh hoạ

Sự thật và nhầm tưởng về thực phẩm với người bệnh đái tháo đường - Ảnh minh hoạ

Nhầm tưởng về thực phẩm không tốt

Không tiêu thụ các thực phẩm có chứa đường: Nhiều người bệnh đái tháo đường nghĩ rằng cần tránh tiêu thụ những thực phẩm có đường một cách tuyệt đối.

Sự thật: Đường có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau bao gồm các loại ngũ cốc, rau, quả, các loại đậu, các loại thực phẩm bao gói sẵn như đồ uống có đường, bánh kẹo, một số loại thực phẩm chế biến sẵn.

Các loại thực phẩm trên có một số thực phẩm đã được chứng minh có ảnh hưởng tốt cho sức khoẻ (ngũ cốc đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt, rau, quả, các loại đậu) và một số thực phẩm không tốt cho sức khoẻ (đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn giàu đường, chất béo).

Theo quan điểm thông thường, khái niệm đường ở đây là loại đường đơn, đường đôi, không phải là các loại đường phức hợp. Mặc dù “đường” có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, nhưng không phải tất cả các loại đường đều xấu.

Các loại đường “không tốt” là những loại đường tự do bao gồm các loại đường đơn, đường đôi được nhà sản xuất, người nấu ăn hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm và đồ uống; đường có tự nhiên trong mật ong, xi-rô, nước hoa quả và nước hoa quả cô đặc.

Các loại đường tự do này có hàm lượng cao trong các đồ uống có đường, gây ra những tác hại lớn cho sức khoẻ.

Tuy nhiên không phải các loại thực phẩm chứa đường nào cũng không tốt. Khi xét giá trị dinh dưỡng của một thực phẩm lên sức khoẻ cần phải xét trên tổng thể một thực phẩm và cách tiêu thụ thực phẩm đó.

Trong nhóm các thực phẩm nhiều đường, các trái cây dạng miếng múi, và sữa chứa các loại đường tự nhiên (không được xếp loại là đường tự do), có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có giá trị tốt cho sức khoẻ như chất xơ, vitamin, chất khoáng, đạm, chất chống ôxy hoá, có thể được tiêu thụ với lượng hợp lý .

Thực phẩm tốt cho người tiểu đường - Ảnh minh họa

Thực phẩm tốt cho người tiểu đường - Ảnh minh họa

Trái cây không tốt cho người bệnh đái tháo đường: Người bệnh đái tháo đường thường nghĩ rằng mình không nên ăn trái cây, đặc biệt là trái cây ngọt.

Sự thật: Không phủ nhận được lợi ích của trái cây với sức khoẻ, trái cây là nguồn các vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể, cũng như lượng chất xơ và những chất chống ôxy hoá khác.

Nghiên cứu cũng cho thấy, tiêu thụ nhiều hơn một số loại trái cây nguyên quả đặc biệt là nho và táo, có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, trong khi tiêu thụ nhiều nước ép trái cây có liên quan đến nguy cơ cao hơn.

Nhiều loại trái cây ngọt có chỉ số đường huyết thấp (GI<=55%) như chuối (53%), táo (34%), lê (34%), nho (25 – 43%), xoài (55%) có chỉ số đường huyết thấp được khuyến nghị tiêu thụ cho người bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra dù là loại trái cây nào thì cách ăn cũng rất quan trọng.

Nên ăn các loại trái cây dạng miếng, múi do các loại đường tự nhiên trong loại thực phẩm này là (đường vẫn còn trong thành tế bào) khác với các loại đường tự do có trong các loại nước ép hoặc xay hoặc cô đặc (không có trong thành tế bào), ngoài ra có hàm lượng chất xơ cao.

Chất xơ trong trái cây làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ tinh bột (glucid/carbohydrate), từ đó giảm sự gia tăng đột ngột mức đường huyết.

Với dạng nước ép trái cây thường có chỉ số đường huyết cao hơn và lượng đường tự do nhiều hơn nên người bệnh nên sử dụng hạn chế, có thể sử dụng loại tự vắt/ép mà không bổ sung thêm đường.

Cần lưu ý rằng, các loại quả dạng sấy khô có hàm lượng đường cao hơn do quá trình mất nước và tác động nhiệt làm bẻ gẫy các liên kết đường nên hạn chế tiêu thụ.

Theo tháp dinh dưỡng khuyến nghị cho người trưởng thành, mỗi người trưởng thành nên ăn trung bình 240 gam quả 1 ngày để có được những lợi ích về sức khoẻ.

Kết hợp trái cây với chất đạm trong sữa chua hoặc hạt, hoặc chất béo lành mạnh (như bơ) có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, dẫn đến kiểm soát đường huyết tốt hơn. Hạn chế ăn các loại trái cây sấy khô do chứa nhiều đường và năng lượng. Ăn trái cây cùng bữa ăn.

Người tiểu đường nên ăn đa dạng các loại rau củ - Ảnh minh họa

Người tiểu đường nên ăn đa dạng các loại rau củ - Ảnh minh họa

Ăn các loại quả ít ngọt bao nhiêu cũng được? Thường với người bệnh đái tháo đường, hai loại trái cây là bưởi và ổi là lựa chọn đầu tiên, họ hạn chế các loại quả ngọt, nhưng nhiều khi lại ăn nhiều các loại quả ít ngọt.

Điều cần lưu ý là việc tăng đường huyết trong máu sau ăn không chỉ phụ thuộc vào chỉ số đường huyết (GI) mà còn phụ thuộc vào chỉ số tải đường huyết (GL) của thực phẩm. Chỉ số tải đường huyết của một lượng thực phẩm được tính bằng GL lượng carbohydrate có trong một khẩu phần ăn cụ thể của thực phẩm nhân với GI của thực phẩm đó và chia cho 100.

GL được chia thành 3 mức thấp (<=10), trung bình(11- 19) và cao (>=20). Tải lượng đường huyết (GL) là một cách tương đối mới để đánh giá tác động của việc tiêu thụ carbohydrate đối với sự gia tăng lượng đường trong máu trong cơ thể, cung cấp cách nhìn toàn diện hơn so với chỉ riêng chỉ số đường huyết (GI)

Một số loại trái cây ngọt khác như đu đủ (56%) có chỉ số đường huyết trung bình và dưa hấu (72%) có chỉ số đường huyết cao, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, hỗ trợ sức khỏe.

Với dưa hấu, GL là 75% ở mức cao, tuy nhiên do hàm lượng tinh bột trong dưa hấu ở mức thấp, chỉ chiếm 2,8 g trong 100 g nên GL được xếp loại là thấp. Ví dụ, 100g dưa hấu có GL là 75 x 2,8/100= 2,1 (mức thấp) nên người bệnh đái tháo đường vẫn có thể tiêu thụ được.

Ổi và bưởi là 2 loại quả thường được khuyên dùng cho người đái tháo đường, đây là những loại thực phẩm có vị ít ngọt, có chỉ số đường huyết thấp lần lượt là 14% và 22%.

Với ổi, chỉ số đường huyết (GI) là 14%, trong 100 g ổi lượng tinh bột là 12,94 gam trong 100 g ổi (tương đương 1 quả ổi nhỏ bằng ½ nắm tay), khi ăn 100 g ổi thì GL sẽ là (14 x 12,94)/100= 1,81 (ở mức tải đường huyết thấp); nhưng khi ăn đến 600g ổi (tương đương 1 quả ổi to hơn nắm tay người lớn) thì GL sẽ là hơn 10, ở mức độ trung bình. Tương tự với bưởi, thì chỉ số tải đường huyết của 100 g bưởi là (22 x 8)/100=1,76 (ở mức thấp).

Như vậy người bệnh đái tháo đường có thể ăn nhiều loại trái cây khác nhau, có thể ít ngọt và ngọt với số lượng phù hợp.

Những thực phẩm được coi là tốt

Những thực phẩm thường được người bệnh đái tháo đường truyền tai nhau là tốt cho tình trạng bệnh như khoai lang, miến dong. Đây là những thực phẩm thường được người bệnh tiêu thụ và mua về để ăn, đây là tình trạng phổ biến không những tại gia đình mà còn ở tại bệnh viện. Vậy sự thật là thế nào?

Khoai lang chứa nhiều chất xơ, vitamin A, và có chỉ số đường huyết là thấp hơn so với khoai tây. Điều này giúp duy trì mức đường huyết ổn định và cung cấp năng lượng lâu dài. Khoai lang thông thường, chưa chế biến có chỉ số đường huyết ở mức trung bình (54%) trong khi khoai lang nướng bỏ lò có chỉ số đường huyết cao gấp 2,5 lần với khoai bỏ lò (135%).

Trong một số nghiên cứu cũng đưa ra kết quả gần tương tự, khoai lang luộc có giá trị GI từ thấp đến trung bình, với thời gian luộc lâu hơn sẽ làm giảm GI, khi luộc trong 30 phút, khoai lang có giá trị GL thấp khoảng 46%, nhưng khi luộc chỉ trong 8 phút, chúng có giá trị GI trung bình là 61%.

Trong khi đó khoai lang nướng có chỉ số đường huyết cao hơn đáng kể so với bất kỳ dạng nào khác, khoai lang đã gọt vỏ và nướng trong 45 phút có GL là 94. Khoai lang đã được gọt vỏ và chiên trong dầu thực vật thường có GL khoảng 76.

Như vậy khoai lang cũng là thực phẩm tốt với người bệnh đái tháo đường tuy nhiên cần lưu ý cách chế biến, ưu tiên hấp hoặc luộc và chỉ nấu trong thời gian vừa đủ chín.

Người bị đái tháo đường chỉ nên ăn thực phẩm "dành cho người tiểu đường"

Người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn các thực phẩm dành cho người bệnh đái tháo đường.

Sự thật: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều được quảng cáo là sản phẩm "dành cho người tiểu đường/đái tháo đường". Các sản phẩm này thường là các loại ngũ cốc, bánh quy, sữa được ghi nhãn là “ăn kiêng” hay thực phẩm dành cho người đái tháo đường, có giá thành cao hơn với các thực phẩm cùng loại khác.

Với những sản phẩm cho người bệnh đái tháo đường có ghi nhãn dinh dưỡng cần kiểm tra kỹ các thông tin về chất bột đường (đặc biệt lượng đường hoặc đường bổ sung), chất béo, chất đạm, Natri hoặc muối. Một số sản phẩm ngũ cốc mặc dù khi là ngũ cốc “ăn kiêng” vẫn chứa một hàm lượng đường bổ sung cao.

Không có thực phẩm tốt hoàn toàn và không tốt hoàn toàn cũng như không có thực phẩm nào là không tiêu thụ được. Tốt, hay không tốt phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng thực phẩm.

Đối với người bệnh đái tháo đường, việc ăn bao nhiêu bữa một ngày, ăn những thực phẩm gì, ăn lượng thực phẩm bao nhiêu và cách chế biến như thế nào là điều hết sức quan trọng.

Ngoài ra chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường cần được cá thể hoá, thay đổi theo đặc điểm về dinh dưỡng, chỉ số hoá sinh, thói quen ăn uống của mỗi cá nhân. Khi áp dụng vào trong ăn uống, những thông tin trên cần được kiểm chứng và được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng.

ThS.BS. Ngô Thị Hà Phương

(Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Theo Đời sống
back to top