Nếu không được thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị, người bệnh rất dễ gặp những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…
50% bệnh nhân đến khám đã có biến chứng
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với 34% là biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh không chỉ ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng.
Ngay từ sáng sớm bệnh nhân chờ số thứ tự khám bệnh tại phòng khám Tiểu đường rất đông. Trung bình mỗi ngày TTYT thị xã Quảng Yên (Quảng NInh) tiếp nhận, thăm khám từ 80 – 90 bệnh nhân mắc bệnh lý đái tháo đường.
Tính từ 1/1/2024 – 11/11/2024, TTYT thị xã Quảng Yên thăm khám cho 19.000 bệnh nhân đái tháo đường đi khám lấy thuốc định kỳ, con số tăng lên đáng kể.
Rất đông bệnh nhân đái tháo đường đi khám - Ảnh BVCC |
Bệnh nhân B.T.M (55 tuổi, trú phường Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi bị bệnh đái tháo đường đã 10 năm nay, khi còn trẻ tôi đã bị bệnh tôi rất lo lắng, đái tháo đường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tôi rất lo sợ việc bị xây xát vì những vết thương thường khó lành. Đến nay, tôi luôn tuân thủ việc điều trị, không bỏ thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ”.
Thời điểm phát hiện ra bệnh, khoảng 50% bệnh nhân đã có biến chứng đái tháo đường. Thời gian đái tháo đường càng dài, đường máu không được kiểm soát có thể gây ra những biến chứng mạn tính.
Nếu không thăm khám định kỳ hoặc tuân thủ điều trị, bệnh nhân đái tháo đường rất dễ gặp các biến chứng như: Biến chứng mạch máu nhỏ gây biến chứng võng mạc (đục thủy tinh thể, mù lòa…), biến chứng thận (hội chứng thận hư, suy thận…);
Biến chứng mạch máu lớn: biến chứng động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, biến chứng động mạch cảnh gây nhồi máu não; Biến chứng mạch chi dưới gây ra bệnh mạch máu ngoại biên… Ngoài ra còn những biến chứng khác khiến bệnh nhân tăng tình trạng nhiễm trùng, ngoài da”.
Cần cảnh giác với thuốc, thực phẩm chữa đái tháo đường
BS Bùi Quang Diện, TTYT thị xã Quảng Yên cho biết: Hiện nay, bệnh đái tháo đường có thể phát hiện sớm hơn do kiến thức về căn bệnh này đã được truyền thông rộng rãi, người dân cũng ý thức hơn về khám sức khỏe định kỳ và quan tâm đến căn bệnh này.
Tuy nhiên đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều trị thăm khám thì khi đến viện đã ở tình trạng tiểu nhiều, gầy sút cân, chỉ số đường huyết cao… bệnh đã ở giai đoạn biến chứng cần phải nhập viện điều trị.
Căn bệnh đái tháo đường cũng có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi do chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh và nước ngọt có gas, stress trong cuộc sống, ít vận động.
Qua thực tiễn thăm khám các bác sĩ Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên nhận thấy trước đây độ tuổi phát hiện đái tháo đường phổ biến ở người trên 50 tuổi thì hiện nay số người mắc ở độ tuổi 30- 40 tương đối nhiều. Vì vậy, các bác sĩ TTYT thị xã Quảng Yên khuyến cáo:
Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường huyết để kịp thời phát hiện, điều trị sớm bệnh đái tháo đường, đặc biệt là những người có thể trạng béo phì hoặc có yếu tố gia đình – người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường.
Kiểm tra huyết áp, tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh BVCC |
Người bệnh mắc đái tháo đường cần tuân thủ phác đồ điều trị đái tháo đường theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tái khám định kỳ, không tự ý bỏ thuốc hay sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc.
Người trẻ cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhanh, nước uống có lượng đường cao, duy trì chế độ rèn luyện thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày.
Điều trị tiểu đường nhằm mục tiêu kiểm soát đường huyết, hạn chế biến chứng nên người dân cần cảnh giác với các thuốc, sữa, thực phẩm chức năng quảng cáo điều trị tiểu đường trên các trang mạng xã hội, khám và tuân thủ điều trị tiểu đường theo hướng dẫn, đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế uy tín.