Nhiễm khuẩn huyết (Nhiễm trùng máu) bắt nguồn từ đâu?
Người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn ở một bộ phận của cơ thể (nhiễm khuẩn cục bộ), như ở đường truyền trung tâm hoặc vết thương. Nếu nhiễm khuẩn lan rộng khắp cơ thể sẽ trở thành nhiễm khuẩn hệ thống, có nghĩa là toàn bộ cơ thể người bệnh đang phản ứng với nhiễm khuẩn.
Tình trạng nhiễm khuẩn hệ thống này được gọi là nhiễm khuẩn huyết. Các loại nhiễm khuẩn huyết bao gồm nhiễm khuẩn huyết nặng, sốc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết giảm bạch cầu trung tính.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn và hầu hết mọi bệnh nhiễm khuẩn đều có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Hệ miễn dịch của người bệnh ung thư có thể bị suy yếu. Điều này có thể do chính bệnh ung thư hoặc do phương pháp điều trị ung thư gây ra. Hệ thống miễn dịch suy yếu khiến người bệnh có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết cao hơn.
Ảnh minh hoạ |
Nhiễm khuẩn huyết thường khởi phát từ các nhiễm khuẩn tại: Đường tiêu hóa; Phổi; Da; Đường tiết niệu.
Nhiễm khuẩn huyết là một cấp cứu y khoa. Các tạng ở xa vị trí nhiễm khuẩn đầu tiên đều có thể bị ảnh hưởng. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm khuẩn huyết có thể nhanh chóng dẫn đến tổn thương mô, suy tạng và tử vong. Nhiễm khuẩn huyết cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Thông tin dịch tễ cho biết:
• Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết.
• Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời.
• Cứ 3 người tử vong tại bệnh viện thì có 1 người bị nhiễm khuẩn huyết trong thời gian nằm viện.
• Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn huyết đều khởi phát trước khi người bệnh đến bệnh viện.
• Hầu hết người bệnh nhiễm khuẩn huyết đều có ít nhất một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh phổi mãn tính hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu.
• Gần một phần tư đến một phần ba số người bị nhiễm khuẩn huyết đã đến khám trong một tuần trước khi nhập viện.
Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết
Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết phụ thuộc vào cơ quan/nội tạng nào đang bị ảnh hưởng bởi nhiễm khuẩn. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết có thể bao gồm:
· Sốt cao, rét run, ớn lạnh.
· Lượng nước tiểu ít hơn bình thường.
· Nhịp tim nhanh.
· Thở nhanh.
· Nôn và/hoặc buồn nôn.
· Tiêu chảy
Người bệnh có thể bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể thấp), cũng như không tỉnh táo.
Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nhiễm khuẩn nào và không thể liên hệ với bác sĩ, hãy đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức. Người bệnh cần báo cho các bác sĩ biết rằng mình đang điều trị bệnh ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư thường sẽ phải trì hoãn cho đến khi hết nhiễm khuẩn.
Các giai đoạn của nhiễm khuẩn huyết - Ảnh BSCC |
Điều trị nhiễm khuẩn huyết
Nghiên cứu cho thấy điều trị nhiễm khuẩn huyết nhanh chóng, hiệu quả bao gồm:
• Đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, bao gồm thuốc kháng sinh, càng sớm càng tốt
• Duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan/nội tạng
Đôi khi cần phải phẫu thuật để loại bỏ mô bị tổn thương do nhiễm khuẩn.
Các bác sĩ nên điều trị nhiễm khuẩn huyết bằng kháng sinh càng sớm càng tốt.
Thuốc kháng sinh là phương pháp quan trọng để điều trị nhiễm khuẩn, bao gồm cả những loại nhiễm khuẩn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, khi tình trạng kháng kháng sinh lan rộng, điều trị nhiễm khuẩn ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh bao gồm từ nhẹ, chẳng hạn như phát ban, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy và nhiễm nấm men, đến các vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng, chẳng hạn như phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng hoặc nhiễm Clostridium difficile (còn gọi là C. diff), gây tiêu chảy có thể dẫn đến tổn thương đại tràng hoặc tử vong.
Tuy nhiên, khi cần dùng kháng sinh, lợi ích sẽ lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ hoặc kháng kháng sinh.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết như thế nào?
Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết là vô cùng quan trọng đối với người bệnh ung thư. Có một số biện pháp phòng ngừa người bệnh có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ:
· Rửa tay thường xuyên. Đề nghị các thành viên trong gia đình và bạn bè rửa tay thường xuyên.
· Tránh xa đám đông và yêu cầu mọi người không nên đến thăm nếu người bệnh đang thấy không khỏe.
· Sử dụng bàn chải đánh răng mềm và chỉ nha khoa một cách cẩn thận. Mục đích là để tránh vết thương hoặc vết loét trong miệng nơi vi khuẩn có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn.
· Nếu có quan hệ tình dục, hãy sử dụng thuốc bôi trơn có thành phần chính là nước để giảm sự chà xát.
· Thức ăn nếu không được chế biến đúng cách có thể khiến người bệnh bị nhiễm khuẩn. Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm.
· Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nhiễm khuẩn nào.
· Nếu người bệnh đã được kê đơn thuốc để điều trị nhiễm khuẩn, hãy dùng thuốc theo hướng dẫn.
Khi nào người bệnh cần liên lạc với bác sĩ điều trị?
· Người bệnh sốt cao trên 38 độ.
· Người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào đã liệt kê ở trên.
· Đau, đỏ da hoặc sưng/viêm xung quanh vị trí vết mổ nếu người bệnh đã phẫu thuật.
ThS.BSNT. Nguyễn Quốc Hùng (Phòng hợp tác quốc tế - nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội)