“Mùa lạnh khi nhiệt độ giảm xuống, gây ra những thay đổi đột ngột, nếu không giữ đủ ấm cho người bệnh hoặc để người bệnh lạnh đột ngột, dễ dẫn tới những cơn tăng huyết áp cấp cứu, làm mất ổn định mảng xơ vữa có thể gây nhiều biến cố về tim, mạch máu toàn thân cũng như bệnh động mạch chi dưới.
Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây ra nguy cơ thuyên tắc mạch phổi và dẫn đến tử vong”, PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết.
Dễ nhầm với bệnh đau xương khớp
Những người tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới
Bệnh nhân cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Bệnh nhân từ 50-64 tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch kèm theo như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type II, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, thuốc lào hoặc gia đình có người mắc bệnh động mạch chi dưới.
Bệnh nhân < 50 tuổi, có tiểu đường và kèm theo 1 yếu tố nguy cơ của xơ vữa mạch chi dưới như: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, gia đình có người mắc bệnh động mạch chi dưới…
Bệnh nhân đã có xơ vữa động mạch ở các động mạch khác như: Động mạch cảnh, động mạch dưới đòn, động mạch chủ, động mạch tạng…
Ông N.V.B. 77 tuổi (Hà Nội) thấy bàn chân và ngón chân sưng đau đã lâu, kể cả khi ngồi nghỉ, nhưng cứ nghĩ do đau xương khớp tuổi già. Gần đây, các ngón chân chuyển từ đỏ sang tím, xuất hiện vết loét mắt cá, tự điều trị không khỏi, ông đến viện kiểm tra mới biết mình bị viêm tắc động mạch chi dưới.
PGS.TS Lê Văn Trường, Phó giám đốc, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân viêm tắc động mạch chi nhập viện ngày càng nhiều, tăng lên cả chục lần.
Rất nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng do tự chẩn đoán hoặc được chẩn đoán nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi, hoặc do tuổi già… nên việc điều trị rất khó khăn, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi.
TS Lương Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Bệnh động mạch chi dưới phổ biến ở người cao tuổi. Với người trên 70 tuổi, cứ 5 người sẽ có 1 người mắc bệnh lý này.
Trong hơn 15 năm nay, bệnh viện đã can thiệp cho hơn 10.000 ca, đa phần được phát hiện muộn, nhất là ở người già trên 80 tuổi, sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền, từ đó làm hạn chế kết quả can thiệp, phẫu thuật cũng như tăng tỷ lệ tai biến và biến chứng trong quá trình điều trị. Nhiều bệnh nhân trên 80 tuổi và người bệnh cao tuổi nhất tới nay được can thiệp là 106 tuổi.
Can thiệp tắc động mạch chi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Ảnh BVCC |
Theo PGS.TS Trường, viêm tắc động mạch chi dưới chủ yếu do nguyên nhân vữa xơ động mạch và viêm nội mạc động mạch, làm hẹp tắc lòng mạch gây thiếu máu và rối loạn dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử phần ngoại vi chi dưới là ngón và bàn chân, có thể cả cổ chân và cẳng chân.
Bệnh hay gặp ở nam giới. Các yếu tố thuận lợi làm cho bệnh phát triển khí hậu lạnh và ẩm kéo dài, nghiện thuốc lá, ăn uống thiếu các vitamin, tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý... tác động lên thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, gây ra các phản ứng co thắt ở động mạch.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng gì, sau đó xuất hiện đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ một lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên.
Tiếp đến, bệnh nhân đau bàn chân, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Da chân tái và lạnh, xuất hiện loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng. Toàn trạng bệnh nhân suy sụp nếu bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.
Bệnh động mạch chi dưới mạn tính là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu từ tim đến các cơ quan bộ phận chi dưới như cơ, và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da… ở phía hạ lưu. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tích tụ các mảng mỡ, canxi trong động mạch, còn được gọi là xơ vữa động mạch.
Mùa lạnh, cẩn thận bệnh viêm tắc động mạch chi gây tàn phế - Ảnh minh họa BVCC |
Mùa lạnh tăng mức độ nguy hiểm
PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn cảnh báo, vào mùa lạnh bệnh động mạch chi dưới nguy hiểm. Khi nhiệt độ giảm xuống, nếu không giữ đủ ấm cho người bệnh hoặc để bị lạnh đột ngột, dễ dẫn tới những cơn tăng huyết áp cấp cứu, làm mất ổn định mảng xơ vữa có thể gây nhiều biến cố về tim, mạch máu toàn thân cũng như bệnh động mạch chi dưới.
Ở bệnh nhân bệnh động mạch chi dưới, nếu chân không được giữ đủ ấm, gây co mạch mạch ngoại vi làm tăng sức cản mạch máu, đặc biệt co những mạch máu nhỏ, làm giảm lưu lượng tới các đầu ngón chi, làm nặng nề thêm tình trạng thiếu máu chi dưới, tăng tần suất tái nhập viện.
Mùa lạnh, nhu cầu năng lượng tăng cao để giữ ấm cơ thể, nhiều món ăn mùa lạnh có rất nhiều đường và chất béo như đồ ăn chiên rán, xào, nhiều dầu mỡ làm tăng gánh nặng lên xơ vữa động mạch nói chung và bệnh động mạch chi dưới nói riêng.
Hoại tử chi do bệnh động mạch ngoại biên giai đoạn muộn - Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức |
Bệnh động mạch chi dưới không chỉ gây đau nhức chân khi vận động, gây thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn ngón chân, phải cắt cụt chi gây tàn phế cho người bệnh, hoặc nhiễm trùng huyết... mà người bệnh còn có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não, có thể dẫn cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não... có thể tàn phế, thậm chí tử vong, đòi hỏi chi phí điều trị cao và lâu dài.
Tỉ lệ tử vong trong vòng 10 năm của bệnh nhân mắc bệnh động mạch chi dưới lên tới 70.4% ở nhóm bệnh nhân có chỉ số nguy cơ cao (>9 điểm) như tuổi cao >65, mắc thêm suy tim, suy thận, bệnh mạch não, đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh phổi, bệnh mạch vành.
Cách chăm sóc người bệnh động mạch chi dưới mùa lạnh
- Cần tuân thủ thuốc theo đơn bác sĩ: huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, các thuốc chống tắc mạch như aspirin, clopidogrel, cilostazol, ritaxaban liều thấp…
- Tránh để lạnh đột ngột: Tránh dậy quá sớm vào buổi sáng, tránh tập thể dục ngoài trời khi trời quá lạnh, nhiệt độ xuống quá thấp, tránh thay đồ ở phòng không kín có gió lùa, nên tắm nước ấm có đèn sưởi…
- Luôn giữ cho bàn chân ấm, mang tất mềm tránh cọ xát gây xây xước dẫn tới loét khó liền.
- Ăn vừa phải các đồ ăn nhiều dầu mỡ, đường cho mùa đông.
- Theo dõi sát tình trạng đau, tê chân hay hoại tử đầu ngón chân. Nhập viện sớm nếu có triệu chứng đau tăng lên, hoặc xuất hiện chấm đen hoại tử nhỏ đầu ngón
- Theo dõi các dấu hiệu khác của bệnh xơ vữa mạch toàn thân: Đau đầu, đau ngực trái…