Cấp cứu thành công bệnh nhân nam bị tắc động mạch chi cấp tính

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam bị tắc động mạch chi cấp tính nặng có nguy cơ phải cắt cụt chân.

Ông H.M.Y (54 tuổi, ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã từng bị vài cơn đau tức chân trước đây, nhưng không đi khám. Cách đây 8 ngày, ông đột ngột đau tức nhiều ở vùng đùi và bắt đầu lan xuống cẳng bàn chân phải, chân lạnh dần không đi lại được, cứ phải giơ chân cao để bớt đau.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, ông được xác định tắc động mạch chi cấp tính nặng có nguy cơ hoại tử phải cắt cụt chân và được chuyển lên Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E. 

Lúc nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện E, chân phải của người bệnh đã ở trong tình trạng có sưng nề và tím lạnh, không bắt được mạch từ trên đùi xuống khoeo và mu chân, một số điểm đã xuất hiện chấm đen hoại tử do thiếu máu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị thiếu máu chân cấp tính do huyết khối tắc hoàn toàn động mạch đùi, khoeo và cẳng chân phải do xơ vữa mạch máu và tình trạng tăng đông máu hình thành nên huyết khối. 

Dù bệnh nhân không có tiền đóng viện phí, nhưng TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E đã trực tiếp tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm.

tac-chi-cap.jpg
Thăm khám cho bệnh nhân sau 2 lần phẫu thuật tắc động mạch chi cấp

ThS.BS Đoàn Văn Nghĩa, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, thành viên tham gia ca mổ cho biết, ca phẫu thuật đầu tiên kéo dài khoảng 1 giờ đã lấy ra rất nhiều huyết khối cũ và mới từ động mạch đùi đến cẳng chân là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu máu chi.

Sau mổ bệnh nhân vẫn còn đau nhiều phần cẳng bàn chân và khi chụp mạch máu kiểm tra lại, mạch máu chân phải từ động mạch, chậu xuống động mạch đùi đã được tái thông. Nhưng phần động mạch khoeo trở xuống mu bàn chân vẫn còn tắc nghẽn bởi huyết khối. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lần nữa để lấy hết huyết khối tránh nguy cơ phải cắt cụt chi.

Qua hội chẩn, các bác sĩ còn xác định người bệnh mắc hội chứng kháng phospholipid gây nên tình trạng tăng đông qua trung gian kháng thể với đặc trưng là huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch tái đi tái lại đi kèm với sự hiện diện của các kháng thể kháng phospholipid.

Đây là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo nhầm ra các kháng thể chống lại chính các tế bào lành và khiến máu bị đông lại. 

Sau 2 lần phẫu thuật, người bệnh đã đi lại được, mạch máu chân phải đập tốt, hồng hào trở lại, hết tê, hết lạnh. Người bệnh được Bệnh viện E kết nối với nhóm từ thiện Từ Tâm ủng hộ toàn bộ kinh phí điều trị.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top