Đặt stent có khỏi tắc động mạch chi

(khoahocdoisong.vn) - Viêm tắc động mạch là bệnh gây co thắt động mạch, làm rối loạn dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử bộ phận do động mạch đó chi phối. Mở thông động mạch chậu-chi dưới không có nghĩa là bệnh đã khỏi hẳn. Động mạch có thể bị hẹp/tắc trở lại, hoặc phát sinh tổn thương mới.

Hỏi: Tôi bị đau chân, sau đó xuất hiện loét và hoại tử các ngón chân, đi khám được kết luận là viêm tắc động mạch chi và được chỉ định đặt stent. Xin đặt stent xong bệnh có khỏi không và có gặp tai biến gì không?

Phạm Minh Phi (Đông Anh, Hà Nội)

PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Viêm tắc động mạch là bệnh gây co thắt động mạch, làm rối loạn dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử bộ phận do động mạch đó chi phối. Việc điều trị rất khó khăn và dai dẳng, nhất là khi đã hoại tử và loét. Nong đặt stent động mạch chậu - chi dưới qua da bằng ống thông gắn bóng và stent để mở rộng lòng mạch, giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại.

Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu được phục hồi, các triệu chứng đau, mỏi chân khi đi bộ và đau khi nghỉ do thiếu máu sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử co cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên, phần hoại tử nặng không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ.

Mở thông động mạch chậu-chi dưới không có nghĩa là bệnh đã khỏi hẳn. Động mạch có thể bị hẹp/tắc trở lại, hoặc phát sinh tổn thương mới. Cần duy trì kết quả điều trị bằng việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, nhằm hạn chế tái hẹp mạch vành và điều trị các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… thay đổi chế độ sinh hoạt như bỏ thuốc lá và các chất kích thích, kiêng mỡ và phủ tạng động vật, hoạt động thể lực tăng dần theo khả năng.

Đặt stent chi dưới có thể có tai biến biến chứng từ nhẹ đến nặng: Phản ứng thuốc cản quang các mức độ khác nhau, chảy máu vị trí chọc kim, phồng giả động mạch, bóc tách thành động mạch, tắc mạch cấp tính…

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top