Tái khám phát hiện mắc hội chứng Conn
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nam bệnh nhân 54 tuổi đến khám định kỳ vì bệnh lý tăng huyết áp thì phát hiện mắc hội chứng Conn, một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát không quá hiếm gặp.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bản thân phát hiện bị tăng huyết áp 10 năm nay kèm theo nhịp tim khoảng 100 chu kỳ/ phút được điều trị thường xuyên bằng Amlor 10mg và Betaloc 25mg, huyết áp ổn định khoảng 130/80 mmHg đến dưới 140/90 mmHg.
Tháng 6/2024, bệnh nhân đến bệnh viện khám thì phát hiện hạ kali máu kèm theo kết quả 3,08 mmol/l. Vì vậy, bệnh nhân được chuyển thuốc huyết áp từ Amlor 10 mg sang Cozaar 100mg/ ngày, bổ sung Panangin 2 viên/ ngày.
Bệnh nhân tái khám vào tháng 8, kali máu có tăng lên 3,19 mmol/l nhưng vẫn ở dưới ngưỡng bình thường.
Ảnh minh họa |
Về tiền sử gia đình, bệnh nhân cho biết thêm, trong gia đình có bố mẹ và anh chị ruột bị tăng huyết áp.
Dựa vào tiền sử tăng huyết áp phát hiện 10 năm trước và kết quả xét nghiệm kali máu 2 lần khám tại Medlatech, sau khi đã bổ sung bằng Panangin và ăn uống tăng cường các thực phẩm giàu kali mà vẫn giảm. Vì vậy, lần thăm khám này, ThS.BS. Nguyễn Thị Ly - Chuyên khoa Nội tiết, tư vấn bệnh nhân ngừng thuốc Betaloc, Cozaar 2 tuần để làm xét nghiệm tìm nguyên nhân hạ kali máu. Trong thời gian đó, bệnh nhân được kiểm soát huyết áp bằng Diltiazem để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Sau 2 tuần, BS Ly chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết để tìm nguyên nhân hạ kali máu và tăng huyết áp bao gồm: điện giải đồ, điện giải niệu, áp lực thẩm thấu máu, áp lực thẩm thấu niệu, loại trừ các nguyên nhân cường giáp, cường cortisol hay thiếu Magie máu, xét nghiệm các hormone aldosteron và renin máu.
Sau khi phân tích kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có kali niệu/ Cre niệu (mmol/mmol): 4,2 > 1,5 và TTKG (chênh lệch nồng độ kali qua ống thận): 9,6 > 4 nên đánh giá bệnh nhân có tình trạng mất kali qua thận. Xét nghiệm aldosteron là 13 ng/dL, renin giảm 0,82 μIU/mL, tỷ lệ ARR (aldosteron/renin) là 15,8 > 3,7; kèm theo khí máu bệnh nhân có tình trạng kiềm chuyển hóa nên nghĩ đến có Hội chứng Conn.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT bụng đánh giá tuyến thượng thận với kết luận hình ảnh theo dõi dày thân - cành thượng thận hai bên. Bên phải: cành trong dày 4mm, cành ngoài dày 7mm, thân dày 10mm. Bên trái: cành trong dày 7mm, cành ngoài dày 3mm, thân dày 9mm. Không thấy tổn thương dạng khối nốt khu trú.
Kết luận chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tăng sản thượng thận hai bên - hội chứng Conn - tăng huyết áp - hạ kali máu.
Sau đó, bệnh nhân được kê đơn điều trị hội chứng Conn và được bác sĩ tư vấn các thành viên trong gia đình bị tăng huyết áp nên đi kiểm tra để đề phòng yếu tố di truyền. Sau khi được điều trị đúng thuốc, bệnh nhân không còn bị hạ kali máu, huyết áp và nhịp tim ổn định hơn.
Hội chứng Conn có nguy hiểm?
Hội chứng Conn được đặc trưng bởi tình trạng bài tiết quá mức hormone aldosteron dẫn tới những bất thường về huyết áp cùng nồng độ natri và kali trong máu.
Hormone aldosteron được tiết ra bởi lớp cầu của vỏ tuyến thượng thận, có tác dụng kiểm soát bài tiết natri và kali, điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, nếu một hoặc cả hai tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều loại hormone này có thể dẫn đến tăng huyết áp, hạ kali máu.
Hội chứng Conn (hay hội chứng cường aldosteron nguyên phát), nếu không được điều trị sẽ dẫn đến khó kiểm soát huyết áp, phá vỡ sự cân bằng của các chất điện giải dẫn đến rất nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như bất thường nhịp tim, gây đau tim, đột quỵ, mất khả năng di chuyển tạm thời do hạ kali, gây suy thận…
Một số trường hợp mắc hội chứng Conn có thể do một trong các nguyên nhân sau:
Adenoma thượng thận tiết aldosteron
Tăng sản thượng thận 2 bên
Tăng sản thượng thận 1 bên
Carcinoma vỏ thượng thận tiết aldosteron (>4cm)
Cường aldosteron có tính chất gia đình
U buồng trứng tiết aldosteron