Liên tục khát nước, tiểu nhiều, sụt cân... dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường

Nhiều người cho rằng, bệnh đái tháo đường (tiểu đường) chỉ có thể xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên, trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Trong vòng hai tuần, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh đã tiếp nhận liên tiếp hai nữ sinh nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do đường huyết tăng quá cao.

Vào tuần cuối tháng 10, một bé gái 15 tuổi được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh do có những triệu chứng bất thường như nôn ói nhiều lần, mệt mỏi, tiểu nhiều kèm theo sụt cân nhanh chóng.

Theo mẹ bé gái chia sẻ, ở nhà bé thường xuyên ăn uống nhiều đồ ngọt, gần đây bé liên tục than mệt, khát nước, sụt cân và cứ thế uống nước ngọt không kiểm soát trong vòng khoảng 3 tháng nay. Đỉnh điểm, có ngày bé uống hết lốc 6 – 8 lon nước ngọt cùng các thức uống có đường khác, tuy nhiên càng uống càng mệt và sụt cân rõ rệt trong thời gian ngắn.

Cảnh báo bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Ảnh minh họa

Cảnh báo bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Ảnh minh họa

Dựa trên thông tin người nhà cung cấp, các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa Nhi đã tiến hành thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, đo mức đường huyết và HbA1C. Kết quả cho thấy chỉ số đường huyết cao hơn ngưỡng cho phép. Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm toan ceton trên nền đái tháo đường.

Bước sang đầu tháng 11, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm trường hợp bé gái 14 tuổi với các triệu chứng tương tự. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết là 23,9 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường (đường huyết của người bình thường trước bữa ăn là dưới 7,2 mmol/L), kèm dấu hiệu mất nước.

May mắn là cả hai trường hợp bệnh nhi đều được cấp cứu kịp thời. Sau gần một tuần điều trị tích cực và được kiểm soát đường huyết bằng insulin, theo dõi sát sao tại Khoa Nhi, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi đã cải thiện tốt, đường huyết đã ổn định hơn và đã được xuất viện.

ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trâm – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, ở trẻ em, đái tháo đường type 1 là hay gặp nhất. Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống. Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng Insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin.

Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin. Insulin là một hormon được sản xuất ra bởi tế bào beta của tuyến tụy, hormon này giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng.

Các triệu chứng của bệnh Đái tháo đường có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Khi bệnh đái tháo đường tiến triển, lượng đường huyết tăng trên mức bình thường, thường là gấp 5 – 10 lần so với bình thường. Lượng glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, kéo theo nước, dẫn đến làm gia tăng lượng nước tiểu và gây nên tình trạng mất nước. Cảm giác khát nước tăng lên do cơ thể cố gắng cân bằng lượng nước, và những người bệnh có thể uống rất nhiều nước. Người bệnh có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Hai biểu hiện khá phổ biến là trẻ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khoẻ.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đái tháo đường có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy thận, tổn thương mắt (giảm thị lực), dễ nhiễm trùng da và miệng, tổn thương thần kinh gây ngứa, tê, rát , đau các đầu ngón tay chân, bệnh tim và mạch máu (xơ vữa động mạch, huyết áp cao, đột quỵ)

Bệnh đái tháo đường type 1 không thể phòng tránh được. Không giống như bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đái tháo đường type 2 đôi khi có thể được ngăn ngừa. Tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh. Khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn thức uống có đường, khuyến khích nhiều hoạt động thể chất.

Đặc biệt, phụ huynh nên chú ý đến những dấu hiệu phổ biến của bệnh đái tháo đường: tiểu đêm thường xuyên, hay khát nước, uống nhiều nước, sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc, nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da, đau bụng, học lực giảm sút do cơ thể không khỏe, hay đói … Khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra và xét nghiệm, giúp phát hiện sớm bệnh lý và có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top