Các bác sĩ Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cho biết, bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính, tăng nguy cơ nhiễm trùng đặc biệt ảnh hưởng đến mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
Các biến chứng này hay gặp ở các cơ quan quan trọng trong cơ thể như là tim, mắt, mạch máu, thận, não…. Tổn thương ở mắt âm thầm, kéo dài sẽ gây suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa.
Biến chứng đáy mắt của bệnh đái tháo đường còn gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường do các tổn thương mạch máu nhỏ ở võng mạc. Giai đoạn đầu bệnh võng mạc đái tháo đường có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có làm giảm nhẹ về thị lực. Giai đoạn sau theo thời gian thì hậu quả có thể gây gây mù lòa.
Người bệnh đái tháo đường cần đi khám mắt - Ảnh BVCC |
Tình trạng này có thể phát triển ở bất kỳ ai ở cả người bệnh đái tháo đường type 1 và người bệnh đái tháo đường type 2.
Vì vậy, kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol, có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh võng mạc đái tháo đường.
Thông thường, bệnh võng mạc đái tháo đường trong giai đoạn đầu sẽ không có biểu hiện cụ thể, rõ ràng nào cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu của tình trạng này có thể được phát hiện bằng cách chụp ảnh mắt trong quá trình kiểm tra mắt bệnh nhân đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường cần đi khám mắt ngay khi có các triệu chứng như:
- Thị lực dần dần kém đi
- Mất thị lực đột ngột
- Hình dạng trôi nổi trong tầm nhìn
- Nhìn mờ hoặc loang lổ
- Đau mắt hoặc đỏ
Việc kiểm tra đánh giá tình trạng tổn thương võng mạc ở người bệnh đái tháo đường rất đơn giản và không gây đau đớn – bác sĩ sẽ cho người bệnh nhỏ mắt để làm giãn (mở rộng) đồng tử và sau đó kiểm tra mắt của người bệnh xem có các biến chứng võng mạc và các vấn đề về mắt khác hay không.
Người bệnh đái tháo đường điều quan trọng là bạn phải đi khám mắt thường xuyên. Nếu phát hiện biến chứng võng mạc đái tháo đường sớm và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa mù lòa.