Tắc mạch vành cấp ở các cụ già gần 100 tuổi
Trong 2 ngày liên tiếp, các bác sĩ khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiến hành can thiệp đặt stent mạch vành cho 2 người bệnh gần 100 tuổi. Sau can thiệp sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện.
Nhập viện với triệu chứng đau tức ngực trái, đau dữ dội theo cơn, khó thở, 2 người bệnh được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện. Các bác sĩ nhận định cả 2 trường hợp đều có biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp nghi do hẹp tắc mạch vành cấp, ngay trong đêm các bác sĩ đã chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu cho người bệnh....
|
Hình ảnh tắc mạch vành trên phim chụp - Ảnh BVCC |
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, phương pháp can thiệp nội mạch, đặt stent là phương pháp can thiệp tối ưu cho người bệnh nhồi máu cơ tim. Sau can thiệp tỷ lệ thành công cao, người bệnh hồi phục nhanh chóng.
Đây là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả đối với người cao tuổi như 2 trường hợp trên, được biết trước đó các bác sĩ đã cứu sống thành công trường hợp người bệnh 102 tuổi với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.
BSCKI Nguyễn Đức Hưng, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội cho biết, nhồi máu cơ tim là hội chứng mạch vành cấp tính nghiêm trọng nhất, xảy ra khi một động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tim. Hệ quả là cơ tim chết từ từ mà không thể tự phục hồi hoặc tái tạo.
Nếu cơ tim bị tổn thương quá nhiều, điều này dẫn đến một trạng thái gọi là sốc tim, thường gây tử vong. Ngoài ra, thiếu máu cục bộ cơ tim cũng có khả năng gây ra một nhịp tim nguy hiểm (nhịp nhanh thất hoặc rung thất), có thể khiến người bệnh ngừng tim và đột tử.
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh có diễn tiến rất nhanh và bất ngờ, không chỉ đối với người lớn tuổi có bệnh nền mà người trẻ cũng có thể bị nhồi máu cơ tim cấp.
Với đối tượng có các yếu tố nguy cơ tim mạch cao: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, làm việc áp lực, căng thẳng... cần thường xuyên kiểm tra khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý về tim mạch cũng như bệnh lý khác.
Nếu được tầm soát, chẩn đoán sớm, bệnh tim mạch hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị được.
Người bệnh phục hồi sau can thiệp - Ảnh BVCC |
Nhiều biến chứng nghiêm trọng
Theo BSCKI Nguyễn Đức Hưng, cơ chế dẫn tới một cơn nhồi máu cơ tim là:
- Mảng xơ vữa tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim. Sự tích tụ mảng xơ vữa là căn nguyên gây hẹp lòng động mạch vành. Khi mảng xơ vữa vỡ ra, tạo điều kiện thuận lợi hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành.
- Khi bị tắc nghẽn, phần cơ tim được cung cấp máu bởi động mạch đó sẽ nhanh chóng bị thiếu oxy, còn gọi là thiếu máu cục bộ. Một số cơ tim bắt đầu chết, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng nhồi máu cơ tim ở mỗi người không giống nhau. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau xung quanh bả vai, cánh tay, ngực, hàm, bụng trên.
- Đau hoặc cảm thấy đè nặng xung quanh vùng ngực, còn gọi là đau thắt ngực.
- Đổ mồ hôi, khó thở.
- Khó chịu hoặc nặng tức ở cổ/cánh tay.
- Khó tiêu, khó chịu ở dạ dày và ngực.
- Ợ chua.
- Buồn nôn và nôn.
- Mệt mỏi, kiệt sức.
- Chóng mặt.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Cơn nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:
Rối loạn nhịp tim: Các cơ bị tổn thương làm gián đoạn sự truyền tín hiệu điện điều khiển tim, gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim với các dạng như tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh trên thất), đập quá chậm (nhịp tim chậm), đập không đều (rung tâm nhĩ)…
Suy tim: Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả. Biến chứng này có thể phát triển sau một cơn nhồi máu cơ tim nếu cơ tim bị tổn thương quá nhiều, thường là ở phía tim trái (tâm thất trái).
Sốc tim: Cơ chế của sốc tim tương tự như suy tim nhưng nghiêm trọng hơn. Nó xảy ra khi cơ tim bị tổn thương quá mức, không còn khả năng bơm đủ máu để duy trì nhiều chức năng của cơ thể. Lúc này có người bệnh có thể rơi vào tình trạng tụt huyết áp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vỡ tim: Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng tương đối hiếm gặp của nhồi máu cơ tim, khiến các cơ thành tim bị tổn thương và thủng. Vỡ tim có khả năng xảy ra nếu tim bị tổn thương nặng nề trong vòng 1-5 ngày kể từ khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện.
Khi có biến chứng này tiên lượng cho những người bệnh rất xấu. Người ta ước tính rằng cứ 2 người bị vỡ tim do nhồi máu cơ tim thì có 1 người tử vong trong vòng 5 ngày sau đó.
Do đó ở mọi lứa tuổi khi có các dấu hiệu đau tức ngực, đau dữ dội theo cơn, khó thở người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên sâu để được can thiệp kịp thời.
Thời gian là vàng để cứu người bệnh
Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính gây những cơn đau thắt ngực, sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Với phương châm "thời gian là cơ tim, cơ tim là sự sống", việc cấp cứu và xử trí trong thời gian vàng là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng người bệnh.
Nhồi máu cơ tim nếu được nhận biết sớm và được xử trí trong vòng 3 - 6 giờ đầu sẽ đem lại kết quả cao nhất, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.