Rối loạn tiền đình ở người trẻ… nguy cơ tổn thương não

Rối loạn tiền đình ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh không chỉ gây các triệu chứng chóng mặt, ù tai... mà nghiêm trọng hơn là trầm cảm, té ngã và nguy cơ đột quỵ tai biến.

“Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền, xử lý thông tin của hệ thống tiền đình khiến cơ thể mất cân bằng, gây ra các triệu chứng như loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn…”, TS Lê Văn Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết.

Nằm một chỗ cũng không yên

Chị N.TL, 32 tuổi (Hà nội) thường xuyên bị rối loạn tiền đình như hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác các vật quay xung quanh, kéo theo buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh...

Nhiều lần chị phải mời bác sĩ đến nhà truyền dịch, uống thuốc liên tục 3 ngày mà bệnh vẫn chưa thuyên giảm, phải nhắm nghiền mắt, chẳng dám quay đầu và không ngồi dậy được. Mới đây bệnh tái phát, chị phải đi cấp cứu vì đột quỵ do biến chứng của bệnh.

TS Lê Văn Tuấn cho biết, tiền đình là một phần của hệ thần kinh nằm phía sau ốc tai (hai bên), đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng cho cơ thể, giúp điều khiển tư thế, điệu bộ, kết hợp với các bộ phận như thân, đầu, tay, chân, mắt,… khi cử động. Còn dây thần kinh số 8 bắt đầu từ cầu não, vào xương đá và đi qua lỗ ống tai trong. Đây là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.

Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó hoặc động mạch nuôi dưỡng não, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống tiền đình. Ở người trẻ tuổi, các triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh thường sẽ nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi.

Rối loạn tiền đình ảnh hưởng nhiều đến thần kinh có thể gây đột quỵ - Ảnh minh họa

Rối loạn tiền đình ảnh hưởng nhiều đến thần kinh có thể gây đột quỵ - Ảnh minh họa

Còn theo TS.BS Nguyễn Thị Phương Chi, Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rối loạn tiền đình là triệu chứng khá thường gặp, tỷ lệ dao động từ 20%- 30%, tăng lên theo tuổi, ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Nguy cơ té ngã là rất cao, đặc biệt ở người lớn tuổi, người bệnh phải nghỉ làm, nếu tình trạng bệnh kéo dài dẫn đến giảm năng suất lao động, tăng chi phí y tế, hạn chế các hoạt động xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Trước đây, bệnh thường hay gặp ở người trung niên, nhưng hiện nay rất nhiều người trẻ trên 20 tuổi cũng mắc bệnh. Mức nguy hại của rối loạn tiền đình là những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm, như thiếu máu não hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong.

Nhiều bệnh lý, biến chứng nguy hiểm cần phát hiện sớm

Theo TS Lê Văn Tuấn, hiện nay nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình là do một số yếu tố như lối sống, chế độ sinh hoạt, công việc và môi trường...

Căng thẳng, stress quá mức: Áp lực công việc và cuộc sống hàng ngày khiến cho người trẻ thường xuyên đối diện với stress. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sản sinh quá mức hormone cortisol trong cơ thể. Khi hormone này tích tụ quá nhiều sẽ làm tổn thương hệ thần kinh và gây rối loạn tiền đình.

Mất ngủ kéo dài: Mất ngủ diễn ra trong thời gian dài ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8, gây ra sự sai lệch trong quá trình dẫn truyền thông tin và gây bệnh.

Thói quen ít vận động: Thói quen ít vận động hoặc do tính chất công việc phải ngồi nhiều giờ trước máy tính và trong môi trường phòng lạnh kín....

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Vấn đề về huyết áp hoặc rối loạn chuyển hóa: Huyết áp thấp, thiếu máu, tai biến hoặc các bệnh lý tim mạch,… là những nguyên nhân có thể gây rối loạn tiền đình. Khi hoạt động lưu thông máu đến não kém, người bị mất máu nhiều, rối loạn chuyển hóa (suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết,…) có nguy cơ bị bệnh cao.

Bệnh lý thần kinh: Rối loạn tiền đình ở người trẻ có thể do hậu quả của các bệnh lý thần kinh như viêm dây thần kinh do virus, viêm tiền đình, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, migraine, nhiễm trùng não, nhồi máu não, xuất huyết não, chấn thương, u não, u dây thần kinh, thiếu máu não, áp xe não, máu tụ ngoài màng cứng ở hố sau,…

Bệnh lý về tai: Các bệnh lý về tai như viêm mê nhĩ, bệnh Meniere (gây rối loạn thính lực), thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ, viêm tai giữa, rò ngoại dịch, dị vật ống tai ngoài,… cũng có thể gây bệnh.

Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột của thời tiết hoặc nhiệt độ môi trường, phơi nhiễm với các chất độc hại, sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài, sống và làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn... cũng khiến rối loạn tiền đình khởi phát.

TS Tuấn phân tích, rối loạn tiền đình ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đặc biệt nguy hiểm khi gây ra các biến chứng hoặc rủi ro như:

Té ngã: Các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt hay mất thăng bằng đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông hoặc làm việc ở trên cao.

Đột quỵ và tai biến: Nếu rối loạn tiền đình ở người trẻ tuổi là do các bệnh lý liên quan đến mạch máu não thì nguy cơ đột quỵ và tai biến sẽ dễ xảy ra hơn. Người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ này.

Nguy cơ trầm cảm: Hiện nay, bệnh trầm cảm là hiện tượng đáng báo động. Người trẻ bị rối loạn tiền đình có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống do thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và mất thăng bằng. Những khó khăn trong sinh hoạt cũng góp phần làm trầm trọng cảm giác mệt mỏi và chán nản ở người trẻ.

Vì vậy, cần đi khám để chữa trị kịp thời khi có các dấu hiệu: Thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt và khó kiểm soát cơ thể; Đứng không vững, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế đứng hoặc ngồi;

Hay buồn nôn hoặc nôn mửa; Đau đầu thường xuyên; Thính lực giảm, thường bị ù tai; Cảm giác tê, run rẩy ở tay chân; Giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, có cảm giác mơ hồ; Hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh, đánh trống ngực; Hơi thở nông, bị hụt hơi...

Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình ở người trẻ

Khám sức khỏe thần kinh định kỳ: Mục đích nhằm tầm soát, phát hiện và điều trị các bệnh lý thần kinh liên quan để điều trị kịp thời.

Hạn chế căng thẳng, stress: Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, đồng thời chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè để giải tỏa căng thẳng.

Tránh ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại: Khi phải làm việc với thiết bị điện tử, cần sắp xếp thời gian giải lao để thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng sau mỗi 1-2 giờ ngồi làm việc liên tục.

Không thức khuya: Đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và ngủ trước 11 giờ.

Uống đủ nước: Cung cấp đủ lượng nước hàng ngày (khoảng 2 lít nước) giúp đào thải độc tố và duy trì hoạt động khỏe mạnh của hệ thần kinh.

Tăng cường vận động để tăng cường lưu thông máu đến não, giảm căng thẳng để ngăn bệnh.

Tuân thủ điều trị: Tuân thủ phác đồ điều trị là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa tái phát bệnh.

Theo VietnamDaily
back to top