Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bị trúng độc do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn hoặc biến chất, chứa chất phụ gia hay chất bảo quản quá liều lượng, bị ôi thiu,...
Ăn chơi tết dương lịch chú ý dấu hiệu này phát hiện ngộ độc thực phẩm. Ảnh Sức khỏe và Đời sống |
Những trường hợp bị ngộ độc nhẹ có thể khỏe sau vài ngày nhưng ở mức độ nghiêm trọng mà không được xử trí nhanh và đúng cách thì sức khỏe có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí còn gây tử vong.
Bị đau bụng
Nếu bị đau bụng sau khi ăn thực phẩm nào đó thì nên thận trọng vì đây có thể là biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể khiến các sinh vật gây hại tạo ra độc tố làm kích ứng niêm mạc ruột và dạ dày. Đây là lý do gây viêm đau ở dạ dày và bị đau bụng.
Biểu hiện đau do co thắt cơ dạ dày xảy ra quanh ruột non hay vùng trên rốn là cách ống tiêu hóa tăng tốc độ chuyển động tự nhiên để loại bỏ sinh vật gây hại. Cần lưu ý rằng nếu chỉ xuất hiện đơn độc hiện tượng đau bụng thì chưa đủ căn cứ để kết luận ngộ độc thực phẩm vì biểu hiện này thường gặp ở nhiều tình trạng sức khỏe khác.
Ảnh minh họa |
Nôn và buồn nôn
Người bị ngộ độc thực phẩm rất hay gặp tình trạng này vì đó là phản ứng co bóp mạnh của cơ hoành và cơ bụng để tống chất có trong dạ dày qua đường miệng. Đây cũng là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi loại bỏ những yếu tố mà nó cho là có hại.
Thực tế cho thấy nhiều người bị các cơn nôn kéo dài. Có những người sẽ giảm dần mức độ nôn nhưng có người lại nôn nhiều hơn. Tình trạng này rất dễ gây mất nước, khiến cơ thể bị suy kiệt nên cần được gặp bác sĩ để xử trí.
Bị tiêu chảy nhiều lần
Tiêu chảy là một trong các biểu hiện ngộ độc thực phẩm điển hình và phổ biến. Nếu bị đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/24 giờ thì khả năng cao là ngộ độc. Đây là kết quả của tình trạng viêm đường ruột khiến quá trình hấp thu chất lỏng và nước của ruột trở nên kém hiệu quả.
Hiện tượng tiêu chảy thường đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn nhiều, muốn đi đại tiện, đau bụng, đầy hơi. Tần suất tiêu chảy nhiều dễ làm cơ thể mất nước, thiếu khoáng chất trầm trọng, tụt huyết áp.
Ảnh minh họa |
Sốt
Sốt là biểu hiện thân nhiệt lên trên 37.5 độ C. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều trường hợp khác nhau và là kết quả của hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể. Sự gia tăng nhiệt độ này khiến cho hoạt động của các tế bào bạch cầu tăng lên để chống lại nhiễm trùng.
Sốt còn do pyrogens (những chất gây sốt) gây nên bằng cách gửi tin nhắn đánh lừa não bộ để não bộ cho rằng cơ thể đang bị lạnh hơn bình thường nên tạo ra nhiều nhiệt hơn. Những cơn sốt thường đi kèm với tình trạng ớn lạnh do pyrogens lừa cơ thể và khiến não bộ nghĩ cơ thể cần được làm nóng.
Chán ăn và mệt
Ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy, buồn nôn làm cơ thể bị mất nước, không muốn ăn uống nên tăng cảm giác mệt mỏi. Lúc này cần cho cơ thể được nghỉ ngơi. Lưu ý, nếu mệt lả người kèm theo cảm giác như thấy kiến bò ở tay thì cần can thiệp y tế.
Ngoài ra, quá trình giải phóng chất hóa học từ phản ứng miễn dịch của cơ thể khi bị ngộ độc cũng sinh ra cytokine - có nhiệm vụ điều hòa phản ứng miễn dịch trước nhiễm trùng. Cytokine truyền thông tin cho tế bào miễn dịch tìm và tiêu diệt tác nhân gây hại. Vì thế sinh ra các biểu hiện ngộ độc thực phẩm như chán ăn, mệt mỏi, sốt,...
Đau đầu
Người bị ngộ độc thực phẩm cũng dễ có biểu hiện chóng mặt, đau đầu. Tình trạng này thường đi kèm với tiêu chảy, nôn mửa. Nếu bị mất nước và sốt thì cơn đau đầu sẽ càng trở nên nghiêm trọng.
Đau cơ, đau khớp
Ngộ độc thực phẩm do virus có thể gây viêm khớp phản ứng - viêm do phản ứng với viêm ruột. Khi hệ miễn dịch được kích hoạt trước phản ứng viêm sẽ làm giải phóng histamine làm mạch máu mở rộng ra cho nhiều tế bào bạch cầu đi qua nhằm chống lại nhiễm trùng.
Nhờ có histamine mà lưu lượng máu đến những vùng bị bệnh của cơ thể tăng lên. Chất này cùng với nhiều chất khác như cytokine làm ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể và gây đau. Đây chính là lý do của biểu hiện ngộ độc thực phẩm và các cơn đau cơ, đau khớp âm ỉ.
Thị lực bị thay đổi
Nếu bỗng nhiên gặp các biểu hiện ngộ độc thực phẩm ở trên kèm hiện tượng nhìn đôi, nhìn mờ thì có thể là do ngộ độc botulinum. Chất này thường có trong các thực phẩm đóng hộp sai cách, khoai tây nướng trong giấy nhôm, cá lên men,...
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ngày Tết dương lịch, nên thực hiện 10 nguyên tắc “vàng” sau:
Chọn thực phẩm tươi sạch.
Thực hiện “ăn chín, uống sôi”; ngâm kỹ, rửa sạch rau quả khi ăn sống.
Thức ăn sống, chín phải để riêng; không dùng lẫn dụng cụ chế biến.
Giữ dụng cụ, nơi chế biến luôn khô sạch.
Rửa tay trước khi chế biến và trước khi ăn.
Chế biến thức ăn bằng nước sạch.
Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín.
Ăn ngay thức ăn khi vừa nấu xong.
Đun kỹ thức ăn trước khi dùng lại.
Không ăn thức ăn ôi thiu.