Chuyên gia mách cách chữa mất ngủ gây nguy hiểm cho sức khỏe

Có khoảng 10-30% dân số thế giới bị mất ngủ. Mất ngủ không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, giảm hiệu quả công việc mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, nội tiết...Vậy phải làm gì để tránh mất ngủ?

Ngủ nhiều hay ít đều hại sức khỏe

Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe và là một quá trình sinh lý quan trọng của cơ thể người, nội tiết – chuyển hóa, tác động mạnh mẽ đến điều hòa hoạt động hệ thần kinh, tim mạch – hô hấp, miễn dịch…. thông qua các cơ chế thần kinh và thể dịch. Thực trạng hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên, con người ngày càng quan tâm tới sức khỏe và giấc ngủ hơn.

Theo viện Y học giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) để có một sức khỏe tối ưu thì người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Ngủ không đủ hay ngủ quá nhiều hơn thời gian này cũng như chất lượng giấc ngủ không tốt đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan và các bệnh lý của các hệ cơ quan có thể làm thay đổi cấu trúc và chất lượng giấc ngủ. Các rối loạn giấc ngủ thường gặp: ngủ ít – thiếu ngủ, ngủ ngáy – ngừng thở khi ngủ, mất ngủ. Ngoài ra còn có 1 số rối loạn giấc ngủ khác ít gặp hơn như: rối loạn cử động chi trong khi ngủ, ngủ rũ, rối loạn cận giấc ngủ.

Tác hại của việc mất ngủ

Hiện nay theo nhiều thống kê, có khoảng 10-30% dân số thế giới bị mất ngủ. Tại Việt Nam tuy chưa có thống kê quốc gia nhưng cũng giống như các nước trong khu vực và nhất là sau đại dịch Covid-19 thì tỷ lệ dân số bị mất ngủ ở nước ta cũng không nhỏ.

Triệu chứng mất ngủ gồm:

Khó khởi đầu hoặc khó duy trì giấc ngủ, hoặc thức giấc quá sớm kết hợp với rối loạn chức năng ban ngày. Theo ICSD -3 (Phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ): Cấp tính: Bệnh nhân khó khởi đầu, khó duy trì giấc ngủ; Hoặc thức giấc sớm buổi sáng tối thiểu 3 đêm/tuần; Xảy ra dù cơ hội và hoàn cảnh ngủ hoàn hảo. Mạn tính: Nếu mất ngủ kéo dài trên 3 tháng.

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố gây mất ngủ, trong đó những nguyên nhân thường gặp là:

Thói quen sinh hoạt không khoa học: sử dụng các chất kích thích, lạm dụng rượu bia, ăn quá no vào buổi tối…

Vấn đề tâm lý: áp lực công việc, stress, đau buồn khi mất người thân, mất việc…

Thay đổi nhịp sinh học: đến những nơi có lệch múi giờ hay người làm việc theo ca…

Mắc các bệnh nội khoa: tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim); hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen); nội tiết (suy giáp, cường giáp); tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản); thần kinh (sa sút trí tuệ, parkinson); đau mãn tính (đau thần kinh, viêm khớp, ung thư,…); tiết niệu (tiểu đêm, phì đại tiền liệt tuyến); giấc ngủ (rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, hội chứng chân không yên, rối loạn hành vi giấc ngủ REM), tâm thần (trầm cảm, lạm dụng thuốc và chất gây nghiện).

Sử dụng thuốc: tâm thần (chống trầm cảm, SSRIs, SNRIs, Methylphenidate, Modafinil, thuốc ức chế Cholinesterase, Galantamine); tim mạch (ức chế men chuyển, chẹn beta, chẹn alpha, chẹn kênh canxi, statine); hô hấp (Salbutamol, Theophylin); thần kinh (thuốc đồng vận Dopamin, Levodopa); tiêu hóa (kháng H2 như Ranitidine, Cimetidine); giảm đau (sử dụng opioid kéo dài), khác (caffeine, Nicotine, Glucocorticoid).

Tuổi tác: thời gian ngủ thay đổi theo tuổi, nhu cầu ngủ nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm dần khi trưởng thành và ít khi có tuổi.

Mất ngủ thoáng qua hay mạn tính đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Người mất ngủ thường xuyên mệt mỏi, không có năng lượng để làm việc, giảm hiệu quả công việc, thay đổi tính cách, tâm trạng bất thường, khó kiểm soát cảm xúc, buồn ngủ do thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông hay khi đang làm việc, bên cạnh đó làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, nội tiết.

Cách điều trị mất ngủ

Điều trị không dùng thuốc:

Vệ sinh giấc ngủ: Tránh ngủ ngày; Chỉ sử dụng giường để ngủ, không đọc sách, xem tivi…; Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá trước khi ngủ; Tránh tập luyện quá mức trước khi ngủ; Giới hạn thời gian nằm thao thức (thức dậy nếu hơn 20 phút vẫn chưa ngủ và lên giường lại khi đã buồn ngủ); Không nhìn đồng hồ; Thiết lập chế độ thức ngủ đều đặn; Tránh ánh sáng mạnh vào ban đêm và nhiều ánh sáng vào buổi sáng.

Liệu pháp nhận thức hành vi CBT: Kiểm soát kích thích (chỉ lên giường khi buồn ngủ); Thư giãn cơ tuần tự (căng và giãn cơ từ trên xuống dưới); Phản hồi sinh học (nhận biết mức độ thức tỉnh qua phản hồi từ da, cơ và điện não); Trị liệu nhận thức (loại bỏ các tư tưởng cũng như thái độ sai lầm về giấc ngủ); Giáo dục vệ sinh giấc ngủ (hiểu mối tương quan giữa môi trường, lối sống và giấc ngủ)

Bên cạnh đó, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 thiền trị liệu, âm nhạc trị liệu, hương trị liệu cũng đang là hướng điều trị mới không dùng thuốc để điều trị mất ngủ.

Điều trị dùng thuốc:

Các nhóm thuốc hiện đang sử dụng để điều trị mất ngủ bao gồm: nhóm Z-drugs, Benzodiazepine, Melatonin đồng vận, Đối vận orexin kép, Chống trầm cảm, Chống loạn thần, Kháng histamine H1, Thuốc chống co giật. Tuy nhiên thuốc nhiều tác dụng phụ, nên cần phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa Y học giấc ngủ.

ThS.BS Vũ Thị Nhinh (Khoa Nội 4, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp)

Theo Đời sống
back to top