Tạo hình gân gót chân Achille cứu sống bệnh nhân viêm mô bào nặng

Bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công, người đàn ông 41 tuổi bị hoại tử chân, nhiễm trùng huyết... nguy cơ phải cắt cụt. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu tạo hình gân gót chân Achille để cứu sống bệnh nhân.

Anh N.V.T, 41 tuổi, bị viêm mô bào nặng do nhiễm trùng Vibrio vulnificus (vi khuẩn ăn thịt người). Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị hồi sức Nội khoa tích cực, các bác sĩ đã kết hợp phương pháp phẫu thuật vi phẫu để che phủ tổn khuyết sau phẫu thuật cắt lọc rộng tổ chức nhiễm trùng, hoại tử của cẳng bàn chân và tái tạo gân gót chân, vừa đảm bảo điều trị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng vừa phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân..

Tổn thương ngã nhẹ không ngờ “nguy kịch”

Anh N.V.T, 41 tuổi, làm nghề lái tàu biển ở Thanh Hóa, vốn là một thanh niên khỏe mạnh, không mắc bệnh lý nền. Tuy nhiên, bốn ngày trước khi nhập viện, anh T bị ngã. Sau khi ngã, anh đã dán cao và xoa dầu vào vùng cẳng chân trái.

Ngày hôm sau, tình trạng của anh trở nên nghiêm trọng khi anh sốt cao 38°C, chân bị sưng nề, đỏ, đau và xuất hiện phỏng nước rải rác ở cẳng chân và bàn chân trái. Mặc dù đã được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế, nhưng tình trạng của anh không cải thiện, buộc gia đình phải chuyển anh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.

Cắt lọc hoại tử chân - Ảnh BVCC

Cắt lọc hoại tử chân - Ảnh BVCC

Tại khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh T được chẩn đoán viêm mô bào do Vibrio vulnificus (loại vi khuẩn ăn thịt người), nhiễm trùng huyết và sốt liên tục. Toàn bộ vùng cẳng và bàn chân trái của anh T bị sưng nề, thâm tím, có phỏng nước trợt vỡ và hoại tử đen lan rộng từ cẳng chân đến vùng đùi.

Sau 5 ngày điều trị viêm mô bào, tình trạng vẫn không cải thiện, dịch mủ tiếp tục chảy ra từ vùng đùi. Vì vậy, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn ngoại khoa để cắt lọc các vùng hoại tử.

Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống cho biết: “Toàn bộ vùng cẳng chân trái phải cắt lọc hoại tử hai lần. Sau khi cắt lọc, toàn bộ vùng cẳng chân và phần da mềm bị khuyết hổng, lộ rõ phần cơ, gân, thậm chí một phần xương chày lộ ra ngoài.

Gân gót chân Achille của anh T bị hoại tử phá hủy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển. Vì vùng tổn thương, hoại tử lan rộng và sâu nên việc tự hồi phục, liền da rất khó khăn. Trước đây, bệnh nhân sẽ buộc phải cắt cụt chân để được cứu sống, thì giờ đây với sự tiến bộ của y học, chúng tôi đã có giải pháp thay thế”.

Viêm mô tế bào do nhiễm trùng Vibrio vulnificus - Ảnh BVCC

Viêm mô tế bào do nhiễm trùng Vibrio vulnificus - Ảnh BVCC

Tạo hình vi phẫu tránh cắt cụt chi

“Để giữ được chân trái cho anh T, chúng tôi đã hội chẩn với các chuyên gia phẫu thuật tạo hình của khoa và đưa ra quyết định tiến hành cuộc phẫu thuật vá da che phủ hết phần mềm, tái tạo lại gân gót và che phủ gân gót chân bằng vạt da vi phẫu.

Gân gót chân Achille là gân lớn nhất trong cơ thể giúp cơ thể kết nối cơ bắp chân với xương gót chân, giúp người đứng vững trên các ngón chân và đẩy cơ thể về phía trước khi đi bộ, chạy nhảy”. Bác sĩ CKII Hoàng Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống chia sẻ thêm.

TS. BS Dương Văn Chiến, chuyên gia về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết: “Chúng tôi tiến hành phẫu thuật vi phẫu lấy vạt đùi trước ngoài (vạt ALT) bên chân phải của anh T được cuộn lại tạo hình gân gót và che phủ vùng gân gót chân Achille.

Vùng da vạt đùi trước ngoài có phần gân bên dưới da có thể thay thế chức năng vùng gân gót chân Achille giúp lấy lại phần lớn chức năng của gân gót chân hỗ trợ đi lại cho người bệnh sau khi vá da. Còn những vùng tổn thương khác của anh T được ghép da mỏng từ các vùng da đùi hai bên, cẳng chân bên phải và da vùng bụng để che phủ những vùng da khuyết”.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

“Kỹ thuật vi phẫu trong phẫu thuật vá da là một kỹ thuật rất khó, các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi chuyên dụng và các dụng cụ với mức độ chính xác tinh vi để nối các mạch máu có đường kính chỉ từ 1-2 milimet ở vùng da vạt đùi trước ngoài vào với mạch chày trước ở vùng dưới chân trái để nuôi sống vùng da gân gót chân.

Việc nối động mạch máu cần dùng chỉ khâu rất bé và phải đeo kính hiển vi phẫu thuật mới thấy được. Đây là ca phẫu thuật vi phẫu đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương”, TS Chiến nhấn mạnh.

Sau 2 ngày phẫu thuật, vùng da được vá bằng kỹ thuật vi phẫu đã sống lại, hồng hào trở lại và tình trạng bệnh của anh T đã dần ổn định. Sau 7 ngày phẫu thuật, anh bắt đầu cảm nhận được vùng da cẳng chân trái. Anh T tiếp tục được tập phục hồi chức năng để có thể đi lại bình thường trong thời gian tới.

Cách phòng tránh vi khuẩn ăn thịt người

Theo chuyên gia y tế, vi khuẩn ăn thịt người Vibrio vulnificus xuất hiện nhiều ở các vùng nước bị ô nhiễm, chúng phát triển mạnh mẽ trong môi trường có độ ẩm cao. Loài vi khuẩn này sống nhiều ở vùng nước biển ấm. Hiện y học vẫn chưa có vaccine tiêm phòng vi khuẩn ăn thịt người. Để phòng tránh bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus, người dân nên áp dụng các biện pháp sau đây:

- Xử lý vết thương nhanh chóng: Khi bị thương hãy nhanh chóng xử lý vết thương bằng cách cầm máu, rửa sạch vết thương bằng vòi nước và thấm khô bằng khăn sạch.

- Luôn giữ cho vết thương sạch và khô ráo: Khi vết thương đã được cầm máu và rửa sạch, hãy băng vết thương bằng băng vô trùng như gạc y tế, băng dán cá nhân. Thay băng nếu vết thương bị ướt hoặc bẩn.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm hoặc gel rửa tay có chứa cồn. Việc rửa tay bằng xà phòng và nước ấm vẫn là cách để giữ bàn tay sạch hiệu quả nhất.

- Nếu có tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người hãy đến ngay cơ sở y tế để làm một số xét nghiệm, có thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.

- Hãy rửa tay và chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc vùng đất hoặc nước bẩn.

- Hãy giữ cho làn da luôn khỏe mạnh, tránh những vấn đề gây tổn thương cho da như nấm da, chàm, khô, nứt nẻ…

- Nếu bị suy giảm hệ miễn dịch, suy gan, tiểu đường thì hãy hạn chế tiếp xúc với nước ở sông, biển, hồ, ao...

- Nếu có vết thương hở nên tránh tiếp xúc với nước.

- Khi làm việc phải tiếp xúc với nước và bùn đất nên mang ủng và găng tay dài để bảo vệ da.

Theo VietnamDaily
back to top