Can thiệp nội mạch cứu bệnh nhi tim bẩm sinh tại tuyến tỉnh

Nhờ chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện Nhi TƯ và hệ thống máy chụp mạch tiên tiến, lần đầu tiên các bệnh nhi bị tim bẩm sinh đã được điều trị ngay tại tuyến tỉnh Quảng Ninh.
can thiệp mạch

Ca can thiệp mạch cho bệnh nhi tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Một ngày “cứu” 4 trái tim dị tật

Sáng ngày 30/7/2018, trong ngày đầu khai trương hệ thống máy chụp mạch xóa nền 2 bình diện (DSA) và nhận chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia tim mạch can thiệp đến từ Bệnh viện Nhi TƯ, các Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh lần đầu tiên đã tiến hành đóng kín dị tật còn ống động mạch cho 04 bệnh nhân nhi ngay tại bệnh viện.

Đó là : Bùi Bảo A.(23 tháng tuổi, Hạ Long); Vũ Thị Ngọc V.(3 tuổi, Quảng Yên), phát hiện bệnh cách đây 1 tuần; Ninh Trọng N.(3 tuổi,Tiên Yên), phát hiện bệnh lúc trẻ 6 tháng tuổi; Lê Thị Thu T.(7 tuổi, Móng Cái), phát hiện lúc trẻ 4 tuổi. Các trẻ có tiền sử tim bẩm sinh còn ống động mạch, chưa can thiệp đang dùng thuốc theo đơn, nay nhập viện chỉ định can thiệp bít dù ống động mạch.

Kíp mổ do Ts Cao Việt Tùng, Bv Nhi Tw; Bs Phạm Ngọc Mười; Bs Phí Xuân Thi và các kỹ thuật viên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiến hành. Mỗi ca phẫu thuật khoảng hơn 30 phút, trẻ được gắn hệ thống máy theo dõi mạch, huyết áp, điện tâm đồ…

Sau đó bác sĩ sử dụng ống thông dẫn đường được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu vào tận các buồng tim và mạch máu của trẻ. Dưới màn hình hệ thống chụp mạch DSA, các bác sỹ kiểm soát và đánh giá chính xác các tổn thương do dị tật còn ống động mạch và lựa chọn các cỡ dụng cụ can thiệp thích hợp để đóng các tổn thương. Sau chụp can thiệp đóng ông động mạch thành công, hiện các bé đã phục hồi tốt.

Thủ thuật vàng trong chẩn đoán

BS Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết, hệ thống máy chụp, can thiệp tim mạch DSA là thiết bị y tế được đầu tư từ dự án Xây dựng 3 bệnh viện thông minh hướng tới tiêu chuẩn quốc tế của UBND tỉnh Quảng Ninh.

DSA là thủ thuật “vàng” trong chẩn đoán hình ảnh bệnh lý mạch máu trên thế giới. Trong bệnh tim mạch, can thiệp nội  mạch thành công có sự đóng góp vô cùng quan trọng của máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA.

Đây là thiết bị với công nghệ tiên tiến để thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số sử dụng thuật toán để xóa nền trên hai hình ảnh thu nhận được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh, nhằm mục đích thấy rõ hơn các thương tổn, bệnh lý mạch máu trước khi chỉ định can thiệp mạch.

Hệ thống DSA gồm 4 thành phần: (1) phát tia X, (2) thu nhận hình ảnh, (3) xử lý hình ảnh số và (4) hiển thị hình ảnh. Trung tâm là bộ xử lý hình ảnh số (digital image processing system).

Ban đầu máy sẽ chụp hình ảnh khi chưa tiêm thuốc cản quang. Sau khi chất cản quang được tiêm vào mạch máu qua ống thông (catheter) luồn qua da vào động mạch đùi qua da, máy sẽ ghi hình ảnh động chất cản quang đi trong mạch máu trong một đơn vị thời gian cài đặt sẵn.

Bộ phận xử lý hình ảnh sẽ lấy ảnh khi chưa có cản quang làm ảnh nền (mask image) và tiến hành loại trừ ảnh nền này với ảnh thu được sau khi bơm chất cản quang để làm rõ hệ thống mạch máu cần khảo sát.

DSA có rất nhiều ứng dụng để chẩn đoán và can thiệp điều trị như:

(1) đánh giá độ dị thường của động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch chi và các động mạch ngoại biên.

(2) thông tim, nong hẹp van động mạch, đóng lỗ thông tim, đặt bóng đối xung nội động mạch chủ.

(3) đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ, lấy dị vật trong hệ tuần hoàn, đặt máy tạo nhịp, siêu âm trong lồng mạch và buồng tim.

(4) thăm dò và điều trị điện sinh lý, ung thư gan hoặc u tử cung, u não, bất thường mạch máu não…

Hiện tại, Bệnh viện đang triển khai Dự án “Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật phá vách liên nhĩ trong điều trị tim bẩm sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh” sẽ hoàn thành trong năm 2018-2019.

Việc đưa vào hoạt động hệ thống DSA và triển khai thành công kỹ thuật trên sẽ giúp việc xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian can thiệp bệnh nhi, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo.

Đặc biệt, giúp các bệnh nhi bị bệnh tim trên địa bàn không phải chuyển tuyến để can thiệp và mổ như trước, giảm chi phí cho người thân bệnh nhi, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao hơn nữa chất lượng khám.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top