Đây là tình trạng tắc nghẽn một tĩnh mạch do cục máu đông được vận chuyển trong dòng máu từ một nơi khác đến. Chứng bệnh này phổ biến ở người già, nhưng phụ nữ trẻ cũng không miễn nhiễm, đặc biệt là trong thời kỳ sinh đẻ.
BS Hùng thăm khám cho bệnh nhân sau đặt stent.
Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi cục máu đông được hình thành và làm tắc tĩnh mạch chi dưới hay tĩnh mạch chậu. Khi cục máu đông bị bóc tách ra khỏi thành mạch, nó có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, gây tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh như ung thư, tăng đông máu, phẫu thuật phải nằm bất động lâu, phụ nữ có thai, thậm chí do di chuyển máy bay trong thời gian dài.
Bệnh nhân Trần Văn Nhung (Mỹ Đức, Hà Nội) nhập viện với triệu chứng sưng, đau, đỏ đoạn chi, nhất là bụng chân (phía sau chân), bên dưới đầu gối không thể bước đi được.
Sau khi siêu âm, chụp xquang tĩnh mạch bác sĩ kết luận bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và được kịp thời áp dụng điều trị bằng kỹ thuật cao.
BS Trần Đức Hùng, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, bệnh thường xảy ra ở một chân, song cũng có thể bị cả hai chân, cảm giác đau tăng khi co gập chân. Chỗ đau có thể tăng khi co gập chân về phía đầu gối.
Trường hợp nặng có thể thấy lở loét ở bắp chân và gặp nhiều nếu huyết khối tĩnh mạch sâu tại tĩnh mạch đùi, ở người béo phì hoặc có nhiều huyết khối tĩnh mạch sâu ở cùng một chân.
Huyết khối ở chi dưới có thể theo máu đến phổi gây tắc động mạch phổi gọi là thuyên tắc phổi, là một bệnh lý nặng nề, có thể dẫn đến tử vong đột ngột. 80% huyết khối tĩnh mạch sâu không có triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng nặng nề là thuyên tắc phổi.
Nếu bệnh nhân không gặp biến chứng thuyên tắc phổi thì sẽ có đến 20-50% sau này bị hội chứng hậu huyết khối với biểu hiện loét, đau nhức và giới hạn vận động chi dưới.
Về phương pháp điều trị, theo TS Hùng, mục đích điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu là nhằm hạn chế khối máu đông lớn lên, ngăn chặn chúng tan vỡ ra di chuyển về phổi để tránh tai biến nghẽn mạch phổi, tránh biến chứng và tái phát.
Hiện nay, kỹ thuật mới, bệnh nhân có thể đặt lưới lọc vào động mạch chủ dưới ngăn không cho huyết khối, máu đông không về phổi và tim. Sau đó đặt stent vào vị trí tĩnh mạch bị tắc.
Trước kia, với những bệnh nhân này thường dùng thuốc chống đông kéo dài 6 tháng mà cải thiện triệu chứng ít, chân vẫn phù, để lại hậu huyết khối. Trung bình một tuần, tại Bệnh viện Quân y 103 thực hiện 3 ca bằng kỹ thuật mới này.
Với phương pháp này, giúp tái thông, bền vững. Tuy có tốn kém hơn, nhưng tại Bệnh viện 103 bệnh nhân được chi trả bảo hiểm.
Phạm Hằng