Nhiều BV từ chối điều trị
Nguyễn Thị H. 56 tuổi (Quảng Ninh) khổ sở nhiều năm vì một bên cẳng chân to bất thường như chân voi. Đặc biệt 5 năm nay chân phải của chị thường xuyên đau nhức, sưng to kể cả lúc ngồi nghỉ và ngủ, gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc, cuộc sống, đi khám nhiều nơi nhưng chưa được điều trị. Cuối cùng chị về BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới được nhận phẫu thuật.
BSCKI Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật can thiệp Tim mạch & Lồng ngực, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, BV đã từng điều trị cho rất nhiều người bệnh có khối phình tĩnh mạch nhưng đây là trường hợp có khối phình lớn nhất.
Kích thước cẳng chân phải của BN H. có nơi đường kính ngang lên tới 30cm với khối phình là 18x18x4cm, đặc biệt có những đoạn tĩnh mạch phình to kích thước 2 cm, nguy cơ vỡ khối phình rất dễ xảy ra.
“Sau khi đánh giá được các nguồn nuôi khối dị dạng, chúng tôi đã cùng chuyên gia Pháp tiến hành phẫu thuật. Sau 2,5 giờ bóc tách, toàn bộ khối tĩnh mạch dị dạng tại cẳng chân phải của người bệnh đã được cắt bỏ thành công. Rất may đây là khối dị dạng thể tĩnh mạch đơn thuần và phẫu thuật đã được lấy triệt để nên nguy cơ tái phát thấp” – BSCKI Nguyễn Đức Hoành cho biết.
Kíp phẫu thuật cho BN H.
Lành tính nhưng dễ tái phát và tử vong
Theo BSCKI Nguyễn Đức Hoành, dị dạng mạch máu (DDMM) được hình thành do sự khiếm khuyết, rối loạn trong quá trình tân tạo mạch máu bẩm sinh. Bệnh có ở khắp nơi trên cơ thể: vùng đầu mặt cổ (40%), các chi (40%) và thân mình (20%).
DDMM tuy là bệnh lý lành tính nhưng là một trong những bệnh lý phức tạp nhất để có thể chẩn đoán sớm và điều trị triệt để. Đa số được phát hiện muộn, tổn thương lan toả, đã có biến chứng nên điều trị phức tạp (phải phối hợp nhiều phương pháp). Ngay cả khi được điều trị tích cực, việc loại bỏ hoàn toàn tổn thương cũng không dễ dàng.
Các hình thái lâm sàng đa dạng, thay đổi, có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dễ bỏ qua dễ dẫn đến suy tim trầm trọng gây đe dọa sinh mạng. Tuỳ theo vị trí tổn thương, các triệu chứng thường gặp cũng đa dạng, thường gặp nhất là đau, loạn dưỡng phần mềm (da khô, bong da, biến đổi màu sắc, loét…), chảy máu do loét, biến dạng chi (phì đại, tăng kích thước hoặc teo).
Chân trước và sau khi phẫu thuật
Đặc biệt nguy hiểm khi dị dạng ở các tổ chức dưới da, niêm mạc miệng và ống tiêu hoá, phổi, gan, não… Khi DDMM vỡ sẽ gây chảy máu tại các bộ phận tương ứng và đặc biệt với tình trạng tăng sinh của mạch máu thì người bệnh tử vong rất nhanh chóng, nhất là ở các khu vực nguy hiểm có khi ở ngay trong BV cũng không cứu được.
BSCKI Nguyễn Đức Hoành, DDMM rất khó điều trị và rất hay tái phát. Chỉ định điều trị tuyệt đối khi khối dị dạng chảy máu, gây suy tim tiến triển, xuất hiện biến chứng do tăng áp lực tĩnh mạch hoặc tổn thương nằm ở vị trí gây ảnh hưởng đến sinh mạng hoặc bảo tồn chi, tổn thương đe dọa đến các chứng năng sống còn.
Chỉ định tương đối khi DDMM gây đau, khó chịu tăng dần, gây biến dạng trầm trọng cơ thể, biến dạng xương, có nguy cao gây các biến chứng thứ phát, bị biến chứng loét, nhiễm trùng và gây ảnh hưởng tới cuộc sống.
Phẫu thuật lấy bỏ ổ dị dạng vẫn là phương pháp điều trị cơ bản, tuy nhiên trong nhiều trường hợp tổn thương lan toả, muộn, lưu lượng dòng chảy cao thì không có khả năng phẫu thuật vì dễ gây biến chứng trầm trọng trong và sau phẫu thuật.
Can thiệp qua da bao gồm tiêm xơ trực tiếp và nút mạch hiện nay được xem là những giải pháp hiệu quả phối hợp với phẫu thuật trong kiểm soát và điều trị DDMM nói chung và đã được BV áp dụng thành công.
Tuy nhiên, dù hiện có nhiều phương pháp, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị song bệnh rất dễ tái phát. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bất thường trên cơ thể như nổi nốt màu đỏ trên da, đau, loạn dưỡng phần mềm (da khô, bong da, biến đổi màu sắc, loét…), chảy máu do loét, biến dạng chi (phì đại, tăng kích thước, teo), đau đầu, đau tức ngực … thì cần đi khám ngay.
Thúy Nga