Mối liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh tim mạch đã được khẳng định về việc tăng hàm lượng cholesterol thông qua chế độ ăn nhiều chất béo gây xơ vữa động mạch.
Khi mảng xơ vữa bị vỡ, lớp dưới nội mạc được lộ ra và tiếp xúc với tiểu cầu dẫn tới hoạt hóa các thụ thể GP IIb/IIIa trên bề mặt tiểu cầu và hoạt hóa quá trình ngưng kết của tiểu cầu.
Thêm vào đó, đám tiểu cầu ngưng kết này sẽ giải phóng ra một loạt các chất trung gian làm co mạch và hình thành cục máu đông nhanh hơn.
Các cục máu đông theo dòng máu đi đến các mạch máu nhỏ gây tắc nghẽn và cản trở dòng máu đi nuôi cơ thể, dẫn đến rất nhiều bệnh lý tim mạch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 17,7 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch trên toàn cầu. Trong số đó, khoảng 7,4 triệu ca là do bệnh mạch vành và 6,7 triệu ca là do đột quỵ. Hơn ¾ số ca tử vong vì bệnh tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Việc tập trung nghiên cứu vào chế độ ăn giúp giảm nguy cơ tim mạch là một hướng đi còn khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới xu hướng này đã triển khai từ nhiều năm nay. Hiện có 4 mô hình chế độ ăn được mô tả có tác dụng giảm nguy cơ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch.
Chế độ ăn ít chất béo:
Làm tăng nhu cầu nạp carbohydrate để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận liệu chế độ ăn này có giúp phòng ngừa mỡ máu và béo phì – hai yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch hay không.
Kết quả của các nghiên cứu trên phụ nữ của Mỹ và nhiều nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng: chế độ ăn ít chất béo (nếu tổng năng lượng vẫn giữ nguyên) chưa được chứng minh một cách rõ ràng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Chế độ ăn ít tinh bột:
Chế độ ăn này giúp giảm lượng Triglycerides và tăng lượng HDL – cholesterol. Các nghiên cứu tổng quan của Shai và cộng sự đưa ra kết luận rằng, chế độ ăn ít tinh bột có những ảnh hưởng tích cực đến cân nặng và các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, ảnh hưởng này có tác dụng dài hạn hay không thì vẫn cần nghiên cứu thêm. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng chế độ ăn ít tinh bột có hiệu quả so với chế độ ăn ít chất béo và chế độ ăn Địa Trung Hải.
Chế độ ăn địa Trung Hải:
Chế độ ăn này bắt nguồn từ các loại đồ ăn truyền thống của các nước như Ý và Hy Lạp. Chế độ ăn này tập trung vào các thực phẩm như rau, củ, quả và cá và các loại gạo nguyên cám nhưng chú trọng nhiều hơn đến các thực phẩm đặc trưng riêng của vùng Địa Trung Hải là các loại cá.
Chế độ ăn Địa Trung Hải được cho là có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Đây là kết quả của hai báo cáo tổng quan tập hợp 7 nghiên cứu thuần tập và một nghiên cứu nghiên cứu ngẫu nhiên ở Tây Ban Nha.
Các nghiên cứu kết luận rằng: chế độ ăn Địa Trung Hải đi kèm với dầu oliu làm giảm tỷ lệ mắc mới các bệnh tim mạch trên tất cả các đối tượng nghiên cứu có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Chế độ ăn ngăn ngừa tăng huyết áp:
Chế độ ăn này chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và nhiều các vi chất như kali (4.700mg/ngày), canxi (1.250mg/ngày), magiê (500mg/ngày) và chứa ít natri (muối).
So với chế độ ăn thông thường, chế độ ăn ngăn ngừa tăng huyết áp đã được Appel và cộng sự chứng minh là có thể ngăn ngừa tăng huyết áp, giảm huyết áp tâm thu và tâm trương khi kết hợp với thay đổi lối sống trở lên lành mạnh hơn (giảm cân, tập thể dục, hạn chế nghiêm ngặt lượng natri và rượu) ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Tuy nhiên, tác dụng dài hạn của những chế độ ăn này, đặc biệt là chế độ ăn ít tinh bột đối với tim mạch và các nguyên nhân gây tử vong khác vẫn cần được đánh giá thêm
TS.BS Trương Hồng Sơn
Viện Trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam