Cây ruột gà (dây ruột gà) là tên gọi khác của cây ba kích.
Dây ruột gà còn có tên là uy linh tiên, dây mộc thông, là loại dây leo, mọc thành bụi, dài hàng mét. Thân nhẵn, có cạnh và khía dọc. Lá kép mọc đối, có 5 lá chét hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt nhẵn hoặc có lông thưa; cuống lá dài xoắn vặn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim; hoa màu trắng, đài có 5 răng có lông ở mép, nhị nhiều. Quả bế, hình trứng dẹt, tận cùng bằng một vòi nhụy dài gấp 6 – 10 lần bầu, có lông màu vàng nhạt. Mùa hoa vào tháng 6 – 8; mùa quả vào tháng 9 – 11. Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi, thường gặp ở ven rừng, bờ nương rẫy.
Bộ phận dùng làm thuốc của dây ruột gà là rễ, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, cắt bỏ gốc thân và rễ con, rửa sạch, phơi khô. Dược liệu có hình trụ tròn, dài 10-20cm hơi cong queo, mặt ngoài màu nâu đen, có những vân nhỏ, chất chắc giòn, thịt trắng, vị hơi đắng, mùi thơm nhẹ.
Theo y học cổ truyền, dây ruột gà có vị cay, mặn, tính ấm, có tác dụng khu phong, hành khí, trừ thấp, chỉ thống, chữa các chứng đau nhức, co duỗi khó khăn, tê bại, viêm khớp dạng thấp, thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Một số bài thuốc thường dùng:
Chữa đau nhức xương khớp:
Bài 1: Rễ ruột gà 12g, quế chi 8g, phụ tử chế 8g, độc hoạt 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. 15 ngày một liệu trình
Bài 2: Rễ ruột gà 12g, phòng kỷ 10g, thổ phục linh 10g, tán nhỏ, hãm uống thay trà trong ngày.
Bài 3: Rễ ruột gà, cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, sinh địa, đan sâm, rau má, hy thiên, khương hoạt, thổ phục linh, thiên hoa phấn, mỗi vị 12g; bạch chỉ 8g; cam thảo 4g, sắc 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 250ml, uống làm 2 lần trong ngày, 3 tuần một liệu trình. Bài thuốc này thích hợp với người thể nhiệt với biểu hiện là các khớp sưng đau, lưỡi vàng, táo bón áp dụng sẽ hiệu quả.
Chữa nấc cụt: Rễ ruột gà và mật ong mỗi thứ 30g, hãm uống thay trà lúc còn nóng.
Hỗ trợ điều trị đau vai gáy: Rễ ruột gà, hoàng kỳ, đương quy, bạch thược, sinh khương mỗi vị 12g; cát cánh, độc hoạt, mộc qua mỗi vị 16g; đại táo 10g; quế chi 8g; cam thảo 6g. Sắc 800ml nước, sắc nhỏ lửa còn 200ml, uống làm 3 lần trong ngày. 1 tuần một liệu trình.
Chữa mỏi nhức lưng khi lao động nặng: Rễ ruột gà, độc hoạt, đan sâm, tang ký sinh, ngưu tất mỗi vị 12g; phòng phong, quế chi, tế tân, chỉ xác, trần bì, mỗi vị 8g. Sắc 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 200ml, uống làm 3 lần trong ngày. 2 tuần một liệu trình.
Lưu ý: Những người suy nhược khí huyết hư không dùng bài thuốc trên. Đối với những người mắc bệnh mạn tính muốn dùng những bài thuốc trên phải đến cơ sở chuyên môn để bắt mạch, kê đơn.
BS Nguyễn Hương
Văn Cao (tổng hợp)