Cây nhót chữa ho hiệu quả.
Nhót là một loại cây chứa nhiều dinh dưỡng. Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol, quả nhót có vị thơm dùng làm thuốc. Ngoài hạt, rễ, lá của cây nhót cũng có tác dụng chữa bệnh. Có thể tận dụng bất cứ thành phần nào để làm thành bài thuốc từ cây nhót.
Quả nhót: Quả nhót chua, chát nhưng lại không độc và trung tính, không nóng không lạnh. Nó được dùng chữa rất nhiều loại bệnh như trị ho, hen, khó thở. Dùng 6 – 12g quả nhót/ngày sắc dưới dạng thuốc để uống hoặc tán bột pha nước uống. Ngoài ra, khi tiêu chảy có thể dùng 10 quả nhót xanh, 4g rễ nhót, 2g rễ lá mơ để sắc uống mỗi ngày 3 lần sẽ thuyên giảm chứng tiêu chảy.
Lá nhót: Có vị chua, tính bình, vô độc. Dùng chữa các chứng phế hư khí đoản, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt… vì thế có thể chữa các vết thương chảy máu. Hãy dùng lá nhót tươi rửa sạch và giã nát để đắp vào chỗ vết thương.
Trị ho, nhiều đờm, hen suyễn: Sao vàng lá nhót 16g, lá táo 12g, hạt cải củ, hạt cải bẹ, mỗi thứ 6g, sau đó giã nát tất cả các nguyên liệu trên rồi gói vào miếng vải sạch, cho vào sắc nước. Sắc 2 – 3 lần chắt lấy nước trộn đều và chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống liền 2 – 3 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Rễ nhót: Để lấy làm thuốc hãy đào rễ nhót vào tầm tháng 9 – 10 và phơi khô để dùng dần. Rễ cây nhót có vị chua và tính bình có tác dụng trừ phong thấp. Dùng rễ cây nhót 120g, hoàng tửu 60g, chân giò 500g, đổ nước vào nấu kỹ, thành món chân giò hầm ăn hằng ngày.
Trị ho ra máu, chảy máu cam: Rễ nhót 16g sao đen, sắc uống ngày một thang. Có thể phối hợp với cỏ nhọ nồi, ngải diệp, trắc bách diệp. Tất cả đều sao đen, sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn 1,5 giờ.
Tuy nhiên, thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi sử dụng bài thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Mi Trần (tổng hợp)