Giả dạ dày nhím
Theo lương y Lê Thị Phượng, Hội Đông y Việt Nam, dạ dày nhím còn gọi là hào trư đỗ. Dạ dày nhím không độc, có tính hàn, vị ngọt, được dùng trong nhiều bài thuốc để chữa các bệnh như dạ dày, thanh nhiệt, cầm máu, giảm đau.
Đối với bệnh dạ dày, bài thuốc có dạ dày nhím có thể giúp bảo vệ thành dạ dày, chống viêm loét, lành nhanh các vết viêm, hạn chế ợ chua…
Tuy nhiên, để có tác dụng không phải dạ dày nhím nào cũng được. Hay nói cách khác, đối với dạ dày của con nhím nuôi sẽ không có hiệu quả cao. Thay vào đó chỉ có dạ dày của con nhím sống trong rừng mới có tác dụng. Bởi khi sống trong rừng, nhím sẽ ăn rất nhiều loại cây, trong đó có các cây thuốc. Nhất là nhím ăn các rễ cây, khi vào cơ thể dạ dày sẽ tiết ra các chất giúp tiêu rễ cây và bảo vệ dạ dày không bị tổn thương. Do đó, nếu dùng dạ dày nhím rừng sẽ giúp con người có được chất này. Đặc biệt là dạ dày của nhím đang còn chứa rễ cây phía trong thì rất tốt.
Khi có dạ dày nhím, có thể làm bài thuốc bằng cách, sao lên sau đó tán nhỏ thành bột. Một chiếc dạ dày nhím trộn lẫn cùng 100g tam thất và 200g bột nghệ và mật ong để có độ quyện. Mỗi ngày uống một thìa cà phê đầy lúc đói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hiện dạ dạy nhím rừng không nhiều, nhất là có thể làm ảnh hưởng đến bảo tồn động vật hoang dã nên người dân cần phải cân nhắc khi dùng bài thuốc này. Thậm chí cần cẩn trọng để không bị lừa mua phải dạ dày nhím giả. Tức là dạ dày của con vật khác được cho là dạ dày nhím. Nhiều người lấy dạ dày con khác sau đó cho thêm rễ cây thuốc vào trong để lừa người mua.
Dạ dày nhím nuôi sẽ không có hiệu quả
Các bài thuốc dễ dùng
Thay vì sử dụng các bài thuốc có vị khó tìm, dễ bị nhầm lẫn, vi phạm pháp luật thì người bệnh có thể áp dụng một số bài thuốc khác với các thảo dược có sẵn, dễ tìm lại an toàn. Như bài thuốc chữa ợ hơi, đau sau ăn do thể can vị bất hòa gồm sài khô, bạch thược, trần bì, diên hồ sách, hương phụ, chỉ xác, bán hạ, uất kim, xuyên luyện tử… mỗi thứ 9g.
Còn khi đau từng cơn, ợ nước trong, cảm giác lạnh dùng bài thuốc trị thể hàn khí ngưng trệ gồm: Hương phụ, tô ngạnh, tất bát, mỗi loại 9g. Kết hợp cùng cao lương khương, mộc hương loại 6g, và sa nhân, ngô thù mỗi loại 3g.
Người bị đau rát thượng vị, cơ thể bất an, ợ chua, miệng đắng dùng bài thuốc trị thể can vị uất nhiệt. Gồm đan bì, sơn chi, bạch thược, bát nguyệt trát, phật thủ, bán hạ với mỗi loại 9g. Kết hợp cùng ngô thù 2g, xuyên liên 3g.
Các bài trên dựa vào bệnh, cắt uống mỗi ngày một thang, ngày uống ba bát trước khi ăn. Uống trong vòng 15 ngày.
Hà Linh