Giếng Soi
Đất Tổng Gối, nay là xã Tân Hội (Ðan Phượng) từng là một tệ ấp thôn trang mực thước của làng quê. Trong những lời thuật của cụ Nguyễn Khắc Xương, con trai cố thi sĩ Tản Đà, thì Tổng Gối như bức tranh sơn dầu trầm tĩnh và trầm màu.
Giếng cổ chùa Hải Giác từng bị đấu thầu thả cá.
Chỉ cách đây vài chục năm thôi, khắp Tổng Gối với những đình đền miếu mạo, ao chuôm, ngõ gạch, nhà tranh vách đất… đẹp vô cùng. Những nền nếp cũ cũng còn được ứng dụng thường xuyên từ cách xưng hô đến lễ tục, cốt sao cho giữ đúng thứ bậc dưới – trên.
Mảnh đất này được vậy, phần cũng vì là nguồn cội của những điệu Chèo Tàu nổi tiếng. Mà cái gốc gác chèo này cũng bắt nguồn từ cuộc tiến công hùng tráng của Hai Bà Trưng khi đánh Tô Định thời Đông Hán.
Những mực thước xưa cũ ấy chỉ có thể còn tìm lại được trong những câu chèo – đó là thứ phi vật thể. Còn vật thể nhìn thấy, sờ được thì còn gì? Thưa, có thể còn ở những cái giếng cổ xưa lắm mà cũng lắm chuyện để thương.
Tổng Gối có bốn thôn thì mỗi thôn được khai ba giếng, ở đầu, giữa và cuối thôn. Vì thế, Tổng Gối cũng được coi là đất giếng. Riêng ở đường vào của cả tổng thì chung nhau một giếng hình ô van tựa như chiếc gương, giếng ấy tên là giếng Soi. Đó là sự nhắc nhở cháu con mỗi khi đi – về phải soi lại mình.
Có ai ngờ được rằng, cái tên giếng được đặt không phải ngẫu nhiên mà là ngụ ý. Lấy nhân làm gốc, lấy tâm làm trọng. Làm người trước rồi hẵng làm thánh nhân. Muốn vậy, phải tự vấn mình để sửa mình, phải soi mình vào giếng rồi tự trả lời. Chỉ có bản thân mới không lừa dối nổi bản thân.
Cuộc chiến giành giếng
Cách Tổng Gối không xa là đất Hạ Mỗ. Như anh em với Tổng Gối, Hạ Mỗ cũng là vùng đất cổ, nơi đóng đại bản doanh của Lý Phật Tử trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Tùy. Nơi đây có đến chín giếng cổ nhưng cổ giếng Hạ Mỗ chính là một trong những câu chuyện dài.
Giếng Soi tựa hình ô van.
Trong khuôn viên chùa Hải Giác đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991 có đến hai giếng. Nhưng suốt một thời gian dài, hai giếng cổ bị đem đấu thầu để thả cá.
Bất bình trước việc hai giếng cổ được sử dụng sai mục đích, các cụ cao tuổi trong thôn đã đề nghị chính quyền trả lại giếng cổ cho di tích. Nhưng sự việc không đơn giản như thế, người ta đã viện rất nhiều lý do để giếng cổ tiếp tục phải “nhả” ra tiền.
Ông Nguyễn Tọa, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Hà Nội là người Hạ Mỗ cũng là một trong những người tích cực nhất trong cuộc đấu tranh đòi lại giếng cổ, cho biết: “Việc đòi lại giếng không hề đơn giản. Chúng tôi đã phải mất bảy tháng để đấu tranh, phải đến khi có được trích lục bản đồ trong hồ sơ công nhận di tích chùa Hải Giác thì chính quyền mới chịu trả lại giếng cho dân”.
Giếng chùa Hải Giác to và rộng như một cái ao. Hai cái giếng lớn ấy cũng là lập cùng chùa. Ở giữa giếng là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Giếng xưa nước trong và ngọt bao nhiêu, thì bây giờ chỉ có bèo lá phủ xanh. Hình như, những linh thiêng cũ đã bào mòn, đã mất đi hết rồi.
Uống xong một tuần trà, ông Tọa mới mở hết những trăn trở như để khách đồng cảm, ngõ hầu cùng giúp sức giữ lại những xâm lấn của thời gian, của con người với giếng.
Là một nhà nghiên cứu, những tranh đấu của ông không chỉ hạn hẹp trong phạm vi làng xã: “Dù giếng không còn được dùng nước nữa vì cuộc sống đổi thay, nhưng giếng vẫn là một góc cạnh của văn hóa cha ông, vẫn cần giữ lại, cần bảo tồn”.
Còn cụ Nguyễn Khắc Xương thì cứ nhắc lại mãi câu này: Ngày xưa, giếng là vật thể bình thường. Ngày nay, giếng vẫn là một vật thể bình thường. Nhưng người hiểu biết đủ biết vật thể ấy không thường về văn hóa, lịch sử và tâm linh.
Người ta thường thấy cái giếng làng gắn bó với mình, mà chưa giải thích hết được tại sao nó lại gắn bó đến thế. Chẳng thế mà “cây đa, giếng nước, sân đình” lại là biểu tượng cho hồn làng, hồn quê.
Thay lời kết
Trở lại đất Tổng Gối, nơi hệ thống giếng cổ được quy hoạch hợp lý trong không gian làng cổ nhưng số phận cũng rất mỏng manh. Tôi nán lại nơi giếng Đá mà ngắm nghía mãi những gấp khúc, những khổ đau phũ phàng mà giếng phải chịu.
Giếng Đá từng bị lấp, nay đã khơi lại và bị khóa miệng.
Giếng ấy từng là nơi mà những đám tang người làng đều dừng lại cho người và giếng tiễn nhau lần cuối. Dù sử sách có ghi giếng khơi từ thời Trần, đã nuôi dưỡng mạch sống cho bao thế hệ nhưng rồi cũng bị vùi lấp.
Chuyện rằng, sau khi lấp giếng thì phạm long mạch nên người gẫy tay, kẻ gẫy chân. Và rồi người làng phải họp bàn, tranh luận khơi lại đúng như lúc ban đầu. Thế nhưng, giếng bị khóa miệng bằng rào sắt chắc chắn như gông cùm, ở trên còn đè một chậu cảnh. Giếng còn xác nhưng liệu có hồn nữa không?
Rồi giếng Soi kia vẫn còn đấy nhưng có ai còn quan tâm đến ngụ ý “soi mình” nữa. Thế nên, cái câu nghìn đời của thầy Tăng Tử: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”, có lẽ cũng chỉ là giáo điều, là lạc lõng giữa những xô bồ của buổi làng ta lên phố.
Thưa bạn đọc!
Tôi đã định viết nhiều hơn về giếng cổ ngõ hầu mong góp chút sức nhỏ vào công cuộc bảo tồn văn hóa. Nhưng, đủ biết sức mình hạn hẹp tựa lá tre trên sóng cả. Biết là giếng quý đấy, nhưng không làm gì được hơn. Thôi thì, một mai nhỡ không còn giếng nữa, thì cũng còn đấy một cái bóng hắt lại sau ánh bạc thời gian.
“Không riêng gì Hà Nội, giếng cổ thì ở đâu cũng quý. Nhưng bi kịch xảy ra là chúng ta không có cách gì bảo tồn. Những giếng thuộc về di tích còn bị vùi lấp thì những giếng làng, giếng chợ lấy gì đảm bảo”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.
Trần Hòa