Tương truyền hai “mắt rồng” đó như ao nghiên mực, giúp cho người Đông Ngạc tài hoa, phi phàm hơn. Cũng nhờ phong thủy “mắt rồng” mà làng có những 21 quan văn, họ đều là những người đỗ đạt cao và cống hiến hết mình cho đất nước.
Đình trên đầu rồng
Rịt chặt bi thuốc lào vào nõ điếu, ông Nguyễn Quang Trinh, thủ từ đình Vẽ giới thiệu thế này: Trước đây, đình là một ngôi miếu thờ thổ thần ở bờ sông Nhị Hà, tức sông Hồng bây giờ. Đến năm Dương Hòa thứ 3 (1637) triều vua Lê Thần Tông, dân làng chuyển vào trong đê và xây lại đình theo nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.
Đình Vẽ làng Đông Ngạc.
Nhưng khoan nói đến kiến trúc đình ấy của Đông Ngạc, mà đi vào cái tích xưa cũ mà dân gian vẫn truyền miệng nhau về cái thế đất đầu rồng của một làng cổ ngoại thành Thăng Long.
Khi đình vẫn còn là ngôi miếu bên bờ sông, có một thầy địa lý đi qua. Thấy vùng đất nổi rõ khí thiêng là đầu rồng mới bảo với dân làng nên xây đình ở mảnh đất quý. Nhưng hiềm nỗi lúc ấy, mảnh đất quý đang là sở hữu của gia đình cụ Đường, mà gia đình cụ lại không có con cái gì sất.
Khi làng ngỏ lời, cụ mới hào phóng giao cho làng toàn bộ số đất rộng trên ba mẫu để xây đình. Các nhà nghiên cứu bảo rằng, đình Vẽ vẫn theo lối nội công ngoại quốc, nhưng có người lại bảo không phải như thế.
Vốn là đất hình đầu rồng nên cách bố trí đình cũng theo kiểu rồng. Hậu cung xây trên gò đất cao là phần cổ. Hai giếng dưới tam quan ngoại đình là mắt, còn hai trụ phía bên kia đường ở cạnh sông là râu rồng.
Giếng không để dùng
Cũng vì xây dựng theo lối phong thủy cho đình hợp với đầu rồng mà hai giếng ấy có lẽ cũng lạ lùng nhất. Theo ông Lê Văn Châu, Phó ban quản lý di tích thì: “Giếng không dùng để lấy nước sinh hoạt như các giếng khác. Chỉ đơn giản là các cụ đào xuống cho đúng với cấu tạo đầu rồng”.
Một trong hai giếng “mắt rồng” trong khuôn viên đình Vẽ.
Hai giếng tròn này rất lớn, nhiều người còn gọi đó là ao. Và thậm chí, những người trẻ ở Đông Ngạc còn khẳng đó là hai cái ao chứ không phải hai cái giếng.
Cũng bởi vì là giếng tượng trưng nên không được sâu cho lắm. Nước trong giếng có ngọt có mát hay không thì cũng chẳng ai rõ, vì đơn giản cũng chưa ai thử. Nhưng hiện thời, trong giếng toàn những sen mọc. Tuy mùa này, sen đã tàn rũ nhưng nét quê cũng từ hai cái giếng này mà ra.
Ở Đông Ngạc bây giờ, hiểu sử làng và rõ tích chuyện xưa cũ về giếng thì có lẽ, chỉ còn cụ Phạm Quang Đại. Cụ Đại trước là giáo viên dạy toán, sau nghỉ hưu thì cũng mầy mò chữ nghĩa với những Hán tự cổ để mong vớt vát một chút gì đấy sót lại cho làng quê mình.
Cụ bảo: “Đúng là hai cái giếng “mắt rồng” không để dùng sinh hoạt. Ngay cả việc lấy nước tế thần cũng lấy từ sông Nhị Hà. Các cụ đốt đuốc ban đêm rồi chèo thuyền ra sông. Họ lấy một cái vòng rộng như cái thúng để xuống mặt nước rồi múc nước từ trong cái vòng tròn đó”.
Theo cụ Đại, tuy giếng không có ích gì trong việc phục vụ sinh hoạt, nhưng ngoài ý nghĩa hợp với cấu tạo đình đầu rồng, thì theo quan niệm phong thủy xưa, nó thúc đẩy những khí thiêng cho làng thêm vượng.
Phát khoa bảng
Ở đình Vẽ bây giờ, phía bên tả là khu nhà dựng bia khá quy mô. Cạnh những bức tường mới tô màu vàng hiện đại là những tấm bia bản dầy khắc những hàng chữ nho, cái thì còn rõ, cái lại đã mờ. Chỉ có những trán bia do ít bị sờ vào xét chữ nên vẫn còn mồn một dấu khắc những lưỡng long chầu nguyệt.
Cụ Phạm Quang Đại đã nhiều năm tỉ mỉ sử làng.
Tất thảy 21 tiến sĩ là những quan văn nức tiếng thời xưa. Cứ những chữ những nghĩa ghi khắc xa xưa ấy, thì khởi đầu cho khoa bảng Đông Ngạc là Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh khoa Quý Dậu 1393 và khoa Minh Kinh triều Lê. Như vậy, danh nhân kỳ tài này hai lần đỗ tiến sĩ ở hai hai triều khác nhau. Thật là lưỡng triều tiến sĩ.
Hai mươi kỳ nhân khác của làng sau thời cụ Tiên đều là những văn quan tài ba. Mà người cuối cùng, cũng là gần thời chúng ta nhất là cụ Hoàng Tăng Bí. Cụ Bí đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất 1910, sau rồi cụ viết cho báo Trung Bắc tân văn, rồi làm thuốc, dịch văn.
Nhiều người bảo, Đông Ngạc chỉ phát văn khoa, không phát được võ tướng. Nhưng hình như, quan điểm ấy không chính xác cho lắm. Bởi khi lần giở lại lịch sử, tôi thấy có 1 tiến sĩ võ tên là Đỗ Thế Dận (1739 – 1792) đỗ Tạo sĩ khoa Quý Mùi 1763.
Lại nói đến việc phong thủy, nhờ đào hai giếng “mắt rồng” mà Đông Ngạc mới phát khoa bảng cũng chưa hẳn đúng. Cứ cho là hai giếng này làm cùng đình Vẽ năm Dương Hòa thứ 3 (1637), thì trước đó rất lâu cụ Phan Phu Tiên đã đỗ đạt năm 1393 rồi.
Đôi điều Đông Ngạc
Theo cụ Đại, người Đông Ngạc hẳn đã quên gốc tích xa xưa của mình từ đâu mà tới. Năm 1471, chiến tranh Việt – Chiêm nổ ra, cho đến mãi sau này, Chiêm Thành ôm hận cứ mãi xâm lấn Đại Việt. Vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh bất ổn nên một số dòng họ chuyển cư ra vùng Thăng Long.
Một trong những cổng nhà cổ còn sót lại.
Trước đó, cụ Phan Phu Tiên vốn quê trấn Nghệ An. Khi đỗ đạt mới ra làm quan, rồi làm An phủ sứ ở Thiên Trường (Nam Định). Vì vậy, ở Đông Ngạc có 4 họ lớn là Phạm – Phan – Đỗ – Nguyễn.
Cụ Đại bảo, làng Đông Ngạc vốn giàu có từ xưa. Bởi nhiều người làm quan nên đường làng cũng lát gạch nghiêng chữ Nhân. Đường nào cũng rộng rãi vừa lối ngựa đi.
Đặc biệt, các cổng nhà thì theo lối “văn phòng tứ bảo”, tức mực giấy bút nghiên. Nhưng rồi, dáng hiện đại dần thay thế khiến cảnh cũ xưa cứ phôi pha đi dần. Cả làng chỉ còn lại khoảng hơn hai chục cái cổng kiểu cổ, nhưng cổng có đấy mà cánh không còn.
Mỗi lúc ngồi tựa bực cửa ngôi nhà cấp bốn mà tôi đồ rằng, nó thuộc loại tồi tàn hoặc giản đơn nhất làng Đông Ngạc, cụ Đại buồn, và vẩn vơ nghĩ những nền nếp cũ đã phai nhạt gần hết. Tính chất làng xã đã mờ đi với thói lệ “tối lửa tắt đèn có nhau” được thay vào cái thú “đèn nhà ai người nấy rạng”.
Đông Ngạc xưa gồm 3 làng: Đông Ngạc, Đông Tảo và Liên Ngạc (tức Bãi Hoa). Ngoài tam quan còn có chữ Hạ Mã, chỉ về một nơi linh thiêng vô cùng. Cùng với đình, hai giếng “mắt rồng” là giếng quý, tượng trưng cho ao nghiên phát đường khoa bảng”.
Ông Lê Văn Châu, Phó ban quản lý di tích đình Vẽ
(Còn nữa)
Trần Hòa